Hà Nội

Thu hẹp khoảng cách, kiến tạo lòng tin

03-03-2019 11:21 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2 vừa kết thúc hôm 28/2 tại Hà Nội. Tuy chưa ký được Tuyên bố chung, nhưng giới phân tích đánh giá hội nghị đã thu hẹp được khoảng cách và kiến tạo lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên, cho dù chặng đường phía trước còn rất nhiều chông gai.

Một lần nữa, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm hẹn quốc tế của hòa bình với vai trò của nước chủ nhà hiếu khách và nỗ lực giúp đỡ các bên.

Dù Mỹ và Triều Tiên chưa thể ký kết một Tuyên bố chung như mong đợi, nhưng bản thân việc các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ngồi lại với nhau và nhất trí sẽ tiếp tục gặp nhau đã là một thành công. Ngày 1/3, Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng quan hệ giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "rất tốt đẹp" mặc dù hai bên không đạt được một thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội.

Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết: "Rất vui khi trở về từ Việt Nam, một nơi tuyệt vời. Chúng tôi đã có các cuộc đàm phán rất quan trọng với ông Kim Jong-un, chúng tôi biết những gì họ (phía Triều Tiên) muốn và họ biết những gì chúng tôi phải có". Nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục khẳng định mối quan hệ giữa hai bên tiến triển "rất tốt".

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Hà Nội đã kết thúc ngày 28/2 mà không có tuyên bố chung. Theo Tổng thống Trump khúc mắc chính là do Triều Tiên muốn dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt trong khi giới chức Mỹ chưa thể đáp ứng điều đó. Mặc dù vậy, tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nêu đề xuất về việc ngừng vô thời hạn các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đổi lại Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Đây được đánh giá là kết quả tích cực của hội nghị.

Trước đó cùng ngày, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng nhận định rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội đã "thành công" và hai bên sẽ duy trì đối thoại tích cực để mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hứa với Tổng thống Trump về một hội nghị thượng đỉnh khác. Trước đó, trong cuộc trò chuyện ngắn trước cuộc gặp riêng tối 27/2, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho biết cả Mỹ và Triều Tiên đã vượt qua rào cản để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh và ông tin tưởng rằng sẽ có kết quả tích cực mà mọi người mong đợi: “8 tháng qua là những ngày các bên đều phải nỗ lực rất nhiều, chịu đựng và kiên nhẫn hơn. Tôi tin tưởng rằng sẽ có kết quả tuyệt vời mà mọi người đều mong đợi. Tôi sẽ cố hết sức để điều này xảy ra”.

Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ hai tại Hà NộiTổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên với cái bắt tay lịch sử tại Hà Nội ngày 27/2

Đây là lần thứ hai Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam trên cương vị tổng thống Mỹ, sau chuyến đi lần đầu vào năm 2017, tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cuộc gặp ở Hà Nội là một vinh dự khi ông có thể đàm đạo với nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Việt Nam và nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân Việt Nam. Ngay khi đến Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời cảm ơn đến Việt Nam về sụ đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình. Viết trên Twitter ở Hà Nội, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: “Cảm ơn tất cả mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Đám đông thật hoành tráng, và thật nhiều yêu thương".

Hà Nội, nơi thu hẹp khoảng cách và kiến tạo lòng tin”

Cả hai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump bắt đầu ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội với các cuộc gặp quan trọng với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã "nỗ lực hết sức" để hội nghị thượng đỉnh thành công. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Mỹ CNN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn “đóng góp cho hòa bình là trách nhiệm của mỗi quốc gia trong thời đại ngày nay".  Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là ví dụ về những gì Triều Tiên có thể trở thành nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố một thỏa thuận để các hãng hàng không Việt Nam mua máy bay do Mỹ sản xuất cùng nhiều thỏa thuận giá trị khác với tổng giá trị ký kết lên tới 21 tỷ USD.

Như vậy, nhiều thập kỷ sau chiến tranh, Hà Nội đã trở thành điểm đến chào đón Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai. Đây cũng là năm Hà Nội kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" được UNESCO trao tặng ngày 16/7/1999. Với cờ hoa rực rỡ và nụ cười của người dân, hình ảnh của một Hà Nội thân thiện, mến khách và giàu lòng vị tha, hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội cũng đã truyền tải một thông điệp “hãy cùng nhau gây dựng niềm tin và đối thoại. Một tương lai mới sẽ đến”.

Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ hai tại Hà NộiThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội trưa 27/02.

Trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: việc Thủ đô Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai là một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Theo Thủ tướng, Việt Nam tích cực tham gia tìm giải pháp cho các vấn đề nóng của khu vực và thế giới, đem lại hòa bình, ổn định và phát triển cho thế giới. Với những kinh nghiệm tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn như APEC 2017, WEF ASEAN 2018, Việt Nam nỗ lực cao nhất để tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 . Qua hội nghị, hy vọng Việt Nam sẽ trở thành "cầu nối" cho tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, giữ vai trò một đối tác góp phần kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực.

Dù không ký kết được Tuyên bố chung, nhưng những kết quả tích cực tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2, đặc biệt là vai trò chủ nhà của Việt Nam một lần nữa cho thấy Việt Nam là điểm đến thân thiện an toàn đối với du khách và cũng là điểm hẹn của các sự kiện quốc tế quy mô toàn cầu.

Ở một góc nhìn khác, Hà Nội đã trở thành biểu tượng cho chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2 không chỉ thu hút sự chú ý của thế giới với chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam, mà còn thu hút sự quan tâm đến tất cả các phương diện khác như vì sao Hà Nội được chọn và lợi ích của Việt Nam với cương vị nước chủ nhà.  Việc lựa chọn Việt Nam là nơi tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng hàng đầu thế giới không chỉ cho thấy sự tin tưởng của hai nước Mỹ, Triều Tiên về khả năng bảo đảm hậu cần, an ninh của Việt Nam mà còn khẳng định đất nước hình chữ S như một biểu tượng của cầu nối hòa bình, biểu tượng của hành trình khép lại quá khứ, vươn lên từ chiến tranh, mất mát và mở cửa hội nhập, phát triển thịnh vượng.

Việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ 2 sẽ khẳng định sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam với tư cách một quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dù thượng đỉnh lần 2 kết thúc mà không có một thỏa thuận. Trong bài bình luận đăng ngày 27/2, tờ Chính sách Ngoại giao (The Diplomat) cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội sẽ làm nổi bật những bước tiến đối ngoại của Việt Nam, bao gồm sự tham gia vào các vấn đề ngoại giao và khu vực, cũng như mối quan hệ với Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc. Với những thành tựu thu được sau Đổi Mới, The Diplomat nhận định hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội sẽ thể hiện vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Năm 2020, Việt nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và ứng cử vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an - Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việc Việt Nam tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2 tiếp tục đưa Việt nam trở thành điểm đến toàn cầu của kiến tạo hòa bình, ổn định và thịnh vượng.


N.Minh
Ý kiến của bạn