Thu hái thuốc vào dịp tết Đoan ngọ - một phong tục hay

SKĐS - Theo phong tục dân gian, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch là ngày “chiết sâu bọ”. Cứ vào buổi sáng sớm, ăn một số loại quả, có khi còn xanh, hương vị chua, chát… với hy vọng diệt được “sâu bọ” gây bệnh tật. Người ta cũng cho rằng, việc thu hái các vị thuốc nam vào ngày này có thể chữa khỏi một số bệnh thường gặp.

Tháng năm âm lịch, thời tiết đã chuyển sang hè nhiều nắng, lại có những trận mưa rào, cây cối nhất là những cây thuốc nam, dễ tươi tốt hơn. Nắng nhiều cũng  thuận lợi cho việc phơi khô và bảo quản các vị thuốc. Sau đây là những cây thuốc, vị thuốc hay được thu hái vào dịp Tết Đoan ngọ.

Cây Seo gà: còn gọi Phượng vĩ thảo (Pteris serrulata L. f.), họ Seo gà (Pteridaceae). Cây thảo, cao khoảng 40cm. Lá mọc thẳng từ thân rễ, xẻ sâu hình lông chim hai lần, mầu lục nhạt, hơi vàng. Bào tử hình 4 cạnh, hơi tròn, màu vàng nhạt. Thu hái toàn cây, rửa sạch, phơi khô. Khi dùng, cắt đoạn, sao vàng.

Seo gà chứa β- sitosterol và β- sitosterol - β-glucosid, diterpen: ent- kauran- 2 β, 16 α- diol. Ngoài ra còn có pterosin B, F, O, S, C… Theo Đông y, seo gà có vị hơi đắng, tính hàn. Tác dụng thanh nhiệt lương huyết, lợi thấp, chỉ lỵ.

Chữa lỵ: seo gà 12g, sắc uống trước bữa ăn. Có thể kết hợp với dây và lá mơ lông, rễ phèn đen, đồng lượng, sắc uống. Dùng ngoài, cả cây tươi rửa sạch giã nát, đắp vào chỗ lở loét ngoài da; hoặc toàn cây đốt thành than tán mịn, trộn với dầu vừng bôi vào chỗ bị bệnh.

Cây seo gà tác dụng thanh nhiệt lương huyết, lợi thấp, chỉ lỵ.

Cây Công cộng: còn có tên Khổ đảm thảo, Xuyên tâm liên (Andrographis paniculata (Burm.f.), họ Ô rô (Acanthaceae). Cây thảo, cao khoảng 1m. Thân vuông, mọc thẳng đứng, phân nhiều cành nhẵn. Lá hình mác, có cuống ngắn, mọc đối. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, hay đầu cành thành chùm. Quả nang, hẹp, thuôn dài. Bộ phận dùng là phần trên mặt đất, rửa sạch cắt đoạn 3-5 cm, phơi hoặc sấy khô. Trước khi dùng sao vàng.

Xuyên tâm liên có các glycosid đắng là andrographiolide, là một trihydroxylacton , với một nhóm hydroxy bậc ba; andrographisid, deoxyandrographisid, neoandrographiolide...; tanin có nhiều ở vỏ thân, cành và vỏ rễ. Tác dụng chống viêm, hạ sốt, giảm đau, hạ huyết áp, hạ đường huyết.

Theo Đông y, xuyên tâm liên có vị rất đắng, tính hàn, vào 3 kinh phế, can, tỳ. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, thanh tràng chỉ lỵ, thanh phế, chỉ khái, thanh nhiệt táo thấp, sơ can, tiết nhiệt. Trị mụn nhọt ung thũng, đinh độc, rắn độc cắn. Uống trong hoặc dùng ngoài dưới dạng thuốc đắp, thuốc ngâm, rửa.

Trị viêm ruột, lỵ: bột xuyên tâm liên dùng riêng hoặc phối hợp với mộc hương, hoàng liên, đồng lượng 12g. Sắc uống.

Trị viêm họng, viêm amiđan, ho lao, ho gà: dùng riêng, hoặc phối hợp với bách bộ, huyền sâm, cát cánh. Sắc uống.

Trị can đởm thấp nhiệt, viêm gan virus: cây seo gà, nhân trần, chi tử..., đồng lượng 9-12g. Sắc uống.

Viêm đường tiết niệu: cây seo gà kết hợp kim tiền thảo, xa tiền... Sắc uống.

Ngoài ra còn được dùng dưới dạng thuốc bổ đắng để kích thích tiêu hoá. Dùng ngoài chữa rắn cắn, rửa vết thương,  mụn nhọt, lở ngứa: 4 – 16g, sắc hoặc làm thuốc bột.

Lưu ý: thuốc rất đắng, không nên dùng thời gian dài, ảnh hưởng tới tiêu hóa.

Cây công cộng (xuyên tâm liên)

Đơn lá đỏ: còn gọi đơn mặt trời [ Excoecaria cochinchinensis (Lour.)], họ Thầu dầu(Euphorbiaceae).Gọi đơn là do màu của lá cây đỏ, lại có tác dụng trị bệnh “đơn”, bệnh đơn độc tức mụn nhọt. Đơn lá đỏ còn có tên“Chè mồng 5, tháng 5“.

Đơn lá đỏ cao trên dưới  1m, cành nhỏ, vươn dài, mầu tía. Lá mọc đối, trái xoan. Cụm hoa, gồm nhiều hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá. Quả nang. Lá đơn lá đỏ chứa flavonoid, saponin, coumarin, tanin, đường khử…Tác dụng chống viêm cấp, chống dị ứng, chống peroxyd hóa lipid màng tế bào. Dịch chiết lá làm giảm co thắt cơ trơn hồi tràng chuột lang cô lập.

Trị phụ nữ bị “đơn vú”, tức lên nhọt vú sưng nóng, đỏ, đau: lá tươi giã nát, đắp vào nơi đau, ngày thay băng 2 lần.

Trị mụn nhọt: lá khô sao vàng, sắc nước uống, ngày 8-10g (người lớn), trẻ em tùy tuổi giảm liều. Có thể phối hợp các vị thuốc tiêu độc khác để tăng tác dụng, như bồ công anh, ké đầu ngựa, sài đất…đồng lượng 12g. Hoặc dùng lá khô sao vàng, kim ngân hoa, sài đất, mỗi vị 12g, sắc uống.

Ngoài ra còn dùng trị tiêu chảy, đại tiện ra máu, lỵ ở trẻ em.

Lá của cây đơn lá đỏ

Ích mẫu

Bộ phận dùng là phần trên mặt đất đã phơi hoặc sấy khô của cây ích mẫu (Leonurus japonicus Houtt. ), họ Bạc hà (Lamiaceae). Cây mọc hoang và được trồng ở hầu hết các địa phương để lấy nguyên liệu làm thuốc

Ích mẫu chứa các chất alcaloid: leonurin, stachydrin. Flavonoid: rutin; glucosid steroid. Các acid béo: linoleic, lauric, fumaric… Bộ phận trên mặt đất, kể cả hạt có tác dụng co bóp tử cung, hạ huyết áp, chống kết tập tiểu cầu, kích thích trực tiếp trung khu hô hấp. Leonurin liều nhỏ tăng cường co bóp tim ếch cô lập, liều lớn tác dụng ức chế. Lá, cành, thân cây và alcaloid leonurin có tác dụng lợi tiểu.

Theo Đông y, ích mẫu có vị cay, hơi đắng, tính hơi hàn, vào 2 kinh can và tâm bào. Tác dụng hành huyết thông kinh, lợi thủy tiêu thũng, thanh can nhiệt, ích tinh, giải độc.

Trị kinh bế, kinh nguyệt không đều, sau khi đẻ huyết ứ, đau bụng; ích mẫu, hương phụ, ngải cứu, bạch đồng nữ, đồng lượng 9-12g, sắc uống.

Trị viêm thận gây phù: ích mẫu 40 - 100g sắc uống. Hoặc phối hợp với xa tiền, bạch mao căn, ngưu bàng tử, kim tiền thảo.

Trị đau mắt đỏ, mắt sưng đau, mắt mờ, tăng huyết áp: hạt ích mẫu (sung úy tử) hoặc toàn cây, cúc hoa, thảo quyết minh, hạt mào gà, sinh địa, mỗi vị 10 – 12g, sắc uống. Trị trĩ hoặc rò hậu môn: ích mẫu tươi giã nát vắt lấy nước cốt, uống.

Chữa sang lở mụn nhọt: ích mẫu 8 - 16g, sắc uống.

Lưu ý: phụ nữ có thai, người huyết hư, huyết không bị ứ đọng, đồng tử giãn, không dùng.

Ích mẫu

Trong dịp tết Đoan Ngọ, người ta còn thu hái dây đau xương, cỏ mần trầu, cỏ xước, cóc mẳn, mã đề… để làm thuốc.


GS. TS. Phạm Xuân Sinh
Ý kiến của bạn