Thu gom và tái chế 64.000 tấn bao bì nhằm giảm thiểu rác thải lên môi trường Việt Nam

14-10-2024 18:32 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong 2 năm 2022, 2023, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam đã thu gom và tái chế hơn 17.000 tấn bao bì và cam kết tái chế khoảng 64.000 tấn trong năm 2024 nhằm góp phần giảm thiểu gánh nặng rác thải lên môi trường.

Tại Tọa đàm "Cơ hội & thách thức trong triển khai kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam", diễn ra vào chiều 14/10, tại TPHCM, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đưa ra cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì các loại trong năm 2024.

Qua 5 năm hoạt động, PRO Việt Nam đã xây dựng được các mô hình thu gom và tái chế vận hành hiệu quả với nhiều loại bao bì khác nhau. Trong 2 năm thử nghiệm (2022 – 2023) trước khi quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) chính thức có hiệu lực, PRO Việt Nam đã thu gom và tái chế thành công hơn 17.000 tấn bao bì các loại, góp phần giảm thiểu gánh nặng rác thải lên môi trường.

Thu gom và tái chế 64.000 tấn bao bì nhằm giảm thiểu rác thải lên môi trường Việt Nam- Ảnh 1.

Người dân tìm hiểu về mô hình tái chế bao bì. Ảnh: Xuân Dự

Trong năm 2024, khi quy định về EPR có hiệu lực, PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì các loại để thực thi nghĩa vụ EPR theo ủy quyền của các công ty thành viên. Điều này cho thấy rõ cam kết mạnh mẽ của PRO Việt Nam trong quá trình biến tầm nhìn về một Việt Nam xanh - sạch - đẹp trở thành hiện thực.

PRO Việt Nam không chỉ là nơi các doanh nghiệp hợp tác, chia sẻ mục tiêu tái chế bao bì, mà còn là một liên minh cùng nhau phát triển những giải pháp sáng tạo để bảo vệ môi trường và cải thiện vòng đời sản phẩm. Các công ty thành viên của PRO Việt Nam, từ những doanh nghiệp tiêu dùng lớn đến các đơn vị thu gom và tái chế, đã và đang tạo nên một hệ sinh thái bền vững, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam chia sẻ về mục tiêu hoạt động. Ảnh: Xuân Dự

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam - chia sẻ về mục tiêu hoạt động. Ảnh: Xuân Dự

Chia sẻ về mục tiêu hoạt động, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam - cho biết: "PRO Việt Nam được thành lập với sứ mệnh thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam và làm cho việc tái chế bao bì trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn. Để thực hiện sứ mệnh này, PRO Việt Nam đã theo đuổi ba chiến lược chính kể từ khi thành lập. 

Thứ nhất, chúng tôi nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm có bao bì cần phân loại, thu gom và tái chế. 

Thứ hai, PRO Việt Nam nỗ lực củng cố hệ sinh thái thu gom bao bì hiện có. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh năng lực và hiệu quả của ngành công nghiệp tái chế, cả về số lượng lẫn chất lượng".

Đánh giá về hoạt động của PRO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa nhận định: "Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân của các khủng hoảng này xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại. Vì vậy "Cùng hành động vì Trái đất", "Đoàn kết ứng phó với biến đổi khí hậu" đã trở thành khẩu hiệu của các hội nghị quốc tế quan trọng do Liên hợp quốc tổ chức, trở thành lời hiệu triệu mạnh mẽ trên khắp toàn cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá rất cao những đóng góp của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam trong việc xây dựng các quy định về EPR cũng như trong việc triển khai thực thi các quy định này từ năm 2024".

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết về mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Ảnh: Xuân Dự

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (nghĩa là cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 0). Ảnh: Xuân Dự

"Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cộng đồng các doanh nghiệp như Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam để triển khai các chính sách và chương trình nhằm hỗ trợ hoạt động phân loại rác tại nguồn theo quy định, hướng tới thu gom, tái chế hiệu quả. Chúng ta sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của việc tái chế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động sản xuất, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Điều này rất quan trọng để góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050", Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết.

Tái chế chất thải y tế làm giảm tác động xấu đến con người và hệ sinh tháiTái chế chất thải y tế làm giảm tác động xấu đến con người và hệ sinh thái

SKĐS - Với khối lượng lớn chất thải y tế phát sinh hàng ngày tại cơ sở y tế, việc tái chế không chỉ giúp giảm tác động đến sức khỏe con người mà còn giúp đảm bảo môi trường và hệ sinh thái xung quanh.


Xuân Dự
Ý kiến của bạn