Hà Nội

Thu giữ nhiều tấn tân dược, thực phẩm chức năng lậu ra... chợ Tết

16-01-2020 10:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Những ngày giáp Tết, lợi dụng tình trạng người người mua hàng tích trữ một cách phóng tay nên tình trạng buôn lậu, sản xuất và tiêu thụ thuốc không nguồn gốc, thực phẩm chức năng giả lại càng diễn biến phức tạp.

Lực lượng chức năng ở các địa phương liên tục bắt giữ nhiều vụ việc với số lượng lớn...

Vì lợi... quên thân

Theo thông tin của Công an TP. Hà Nội, sáng 9/1, Đội Chống hàng giả, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đang làm nhiệm vụ tại khu vực Trung tâm Phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Hapulico - số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân đã kiểm tra đối tượng Lý Thị Thùy Linh (SN 1991) đang vận chuyển 1 thùng carton có dấu hiệu nghi vấn. Lực lượng chức năng phát hiện bên trong thùng carton có 200 lọ tân dược pharcoter, 20 hộp thực phẩm chức năng nhãn hiệu cerebrum trên nhãn ghi xuất xứ từ Pháp. Toàn bộ số hàng đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả. Sau đó, đại diện Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I-Pharbaco - đơn vị sản xuất thuốc pharcoter khẳng định toàn bộ 200 lọ thuốc nói trên đều là hàng giả.

Một vụ bắt giữ thuốc tân dược không rõ nguồn gốc.

Một vụ bắt giữ thuốc tân dược không rõ nguồn gốc.

Tại cơ quan điều tra, Linh khai vận chuyển số thuốc và thực phẩm chức năng trên cho Lý Mạnh Thông (SN 1988), quê ở Nam Sách, Hải Dương. Số hàng giả trên được Thông thuê sản xuất từ nhiều địa điểm rồi tập kết tại nơi thường trú tại quận Hoàng Mai để đóng gói và đem đi tiêu thụ. Khám xét khẩn cấp chỗ ở và kho hàng của Thông, cơ quan công an thu giữ hơn 5.400 hộp thực phẩm chức năng và thuốc tân dược có dấu hiệu làm giả và hàng nghìn chai, lọ trắng bên trong chứa viên nang trắng chưa dán nhãn cùng nhiều vỏ hộp, tem, nhãn và hướng dẫn sử dụng. Tổng số hàng giả thu được lên đến hơn 2 tấn.

Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, các đối tượng khai nhận mỗi hộp thuốc chỉ có giá thành khoảng 20.000 đồng nhưng khi bán cho các đại lý, hiệu thuốc thì lên tới 80.000 đồng và khi tới tay người tiêu dùng thì từ 300.000 - 500.000 đồng.

Tại TP.HCM, chỉ trong ngày 11/1, lực lượng chức năng đã phá 2 kho “hàng khủng”. Đội 3 (Cục QLTT TP.HCM) phối hợp với Đội 6 Phòng PC03 kiểm tra căn nhà trên đường Nguyễn Phúc Chu (quận Tân Bình) phát hiện hơn 2.000 hộp tân dược với nhiều chủng loại không có chứng từ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp lệ. Chủ của lô hàng là bà Thái Thị Hằng (sinh năm 1960, ngụ tại quận Tân Bình) khai nhập các loại thuốc trên về rồi bỏ sỉ cho nhiều tiệm thuốc tây tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố. Cùng thời điểm trên, một tổ công tác khác của Đội 3 Cục QLTT-  TP.HCM kiểm tra căn phòng cho thuê ở trên đường Nguyễn Giản Thanh (Quận 10) phát hiện gần 5.000 hộp thuốc tân dược nghi nhập lậu, trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Số thuốc tân dược trên là của ông Đặng Bá Mạnh (sinh năm 1994, ngụ Lâm Đồng). Tại thời điểm kiểm tra, ông Mạnh không xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp lệ. Theo điều tra ban đầu, số thuốc tân dược trên điều trị một số bệnh liên quan đến tim mạch, não, có xuất xứ chủ yếu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp..., được một “đầu nậu” nhập về Hà Nội, sau đó bán lại cho các đầu mối đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Các đầu mối này tiếp tục phân phối tới các tiệm thuốc tây tại TP.HCM và các tỉnh thành.

Nhiều rủi ro sức khỏe cho người sử dụng

Thời gian qua, qua thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm như một số cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sản phẩm thực phẩm chức năng chứa các thành phần không được công bố trên nhãn và không đúng với hồ sơ công bố sản phẩm.

Theo Bộ Y tế, nhóm mặt hàng dược phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân, an ninh, an toàn xã hội. Ðây là nhóm hàng có nhu cầu sử dụng cao, cho lợi nhuận lớn nên hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp. Một số gian thương đã lợi dụng như làm giả giấy tờ trong việc cấp các giấy xác nhận của doanh nghiệp được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đồng thời, tình trạng lợi dụng bán sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe được giới thiệu là “hàng xách tay” trong đó có hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật vẫn xuất hiện nhiều trên thị trường. Thời gian tới, Bộ Y tế cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh thanh tra việc thực hiện quy định về đăng ký, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm tại các cơ sở liên quan trên địa bàn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan thanh, kiểm tra dược liệu “lậu” qua đường tiểu ngạch ở khu vực biên giới.


Bình An
Ý kiến của bạn