Thử đưa ra một giải pháp nhằm thoát nạn ăn bẩn?

29-08-2016 07:54 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trên báo Sức khoẻ&Đời sống tuần trước, tôi có bàn về “những chuyện nhức nhối”. Ấy là hàng ngày, người dân cứ phải ăn bẩn, uống bẩn

Trên báo Sức khoẻ&Đời sống tuần trước, tôi có bàn về “những chuyện nhức nhối”. Ấy là hàng ngày, người dân cứ phải ăn bẩn, uống bẩn. Đồ ăn, thức uống không chỉ bẩn mà còn độc hại. Thực phẩm độc hại bày bán lan tràn khắp hang cùng ngõ hẻm trên phạm vi cả nước. Người ta cứ đầu độc lẫn nhau. Đùn đẩy cái chết sang nhau. Rốt cuộc chẳng có ai thoát nạn. Chưa bao giờ người mắc bệnh ung thư nhiều như hiện nay. Trước đây, ung thư là bệnh của người có tuổi, chỉ có người già mới bị ung thư. Bây giờ thì toàn người trẻ. Đến cả trẻ con vừa nứt mắt chào đời cũng đã bị ung thư rồi. Có gia đình chết cả nhà. Người trẻ chết cả, chỉ trừ có ông bà già ngoài tám mươi tuổi. Người già kém ăn. Nhờ thế mà thoát lưỡi hái của tử thần.

Bài báo được nhiều người đọc ủng hộ. Họ gọi điện trực tiếp rồi nhắn tin, viết thư chia sẻ. Tôi rất cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đến những vấn đề mà người dân cũng đang rất quan tâm. Bạn Việt An - một trong những bạn đọc hết sức tâm huyết, có bức thư chia sẻ khá dài. Việt An bảo rằng, Việt An cùng bạn đọc khu vực Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh rất ủng hộ lão Khoa mạnh mẽ lên án thực phẩm bẩn. Bài báo rất thiết thực, nói hộ nhiều bà con nỗi đau khổ, bức bối mà không biết kêu ai. Tuy vậy, bài báo vẫn thiếu phần quan trọng nhất là giải pháp. Lão Khoa chẳng đưa ra được một giải pháp nào. Lão cứ nói khơi khơi. Như thế chẳng khác gì lão chỉ khua trống bỏi trước cửa Nhà Sấm. “Thực phẩm độc hại không chỉ nguy hại cho sức khỏe, mà về lâu dài còn làm suy thoái giống nòi. Đây không phải là chuyện nâng cao quan điểm, mà còn là khoa học nữa đấy lão Khoa ạ!”.

an banĐể cải thiện tình trạng thực phẩm bẩn thì không phải chỉ có sửa luật mà cần đồng bộ mọi giải pháp và cần phải làm thật nghiêm khắc( ảnh minh họa: trồng rau bẩn bằng tưới dầu, nhớt thải,...).

Vâng! Lão hiểu rồi. Bậc tiên chỉ đã nói là chỉ có đúng! Nhưng khổ nỗi, lão chỉ là một anh nhà báo quèn. Nhà báo thì chỉ biết trung thực, phản ánh đúng sự thật và chịu trách nhiệm về những gì mình đã phản ánh. Còn đưa ra giải pháp và xử lý những vụ việc tiêu cực, làm khổ dân thì đó lại là công việc của các cơ quan chức năng, các nhà quản lý thị trường, quản lý môi trường. Nhưng mấy ông Môi Trường, Thị Trường này cũng chẳng thể tin được. Vì thế, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã phải nhờ đến các bác cựu chiến binh giám sát thực phẩm. Ở lĩnh vực này, các bác cựu chiến binh đúng là đáng tin cậy thật. Đáng tin vì các bác ấy còn trong sáng, không bị đồng tiền hôi hám làm ố bẩn. Các bác cựu chiến binh đúng là rất nhiệt tình, tận tuỵ vì dân, vì nước. Nhưng khổ nỗi, các bác ấy lại không có chuyên môn. Đúng ra cái việc lớn này là việc có tính chuyên môn cao, chuyên môn sâu, Nhà nước phải giao cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế. Bà Tiến có khi phải thành lập một Ủy ban Quốc gia về An toàn thực phẩm, trực thuộc thẳng Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban này gồm những bác sĩ, những nhà khoa học tài năng nhất để kiểm định, chăm lo miếng ăn, cái uống cho nhân dân. Ngài tiên chỉ Việt An nói rất đúng: Việc để thực phẩm bẩn hoành hành, trách nhiệm trước tiên thuộc về những cơ quan quản lý. Hoặc là thiếu trách nhiệm, hoặc là dung túng. Cùng chịu trách nhiệm đó chính là các nhà lập pháp. Qui định pháp luật không đủ sức chế tài. Qui định mới nhất đã được thực hiện từ 01/7 năm nay, nghĩa là vừa hiệu lực cách đây mấy ngày thôi, cũng có những điều khoản, tưởng là nghiêm khắc, nhưng gần như lại không có giá trị thực tiễn. Điều này chứng tỏ năng lực của những người dự thảo luật của chúng ta khá yếu. Ví dụ: Qui định chết 1 người phạt tù 1 - 3 năm; chết 2 người phạt tù 10 năm; chết 3 người trở lên phạt tù từ 15 - 20 năm. Tôi cho rằng qui định như vậy là không có giá trị thực tiễn. Việc sử dụng chất cấm trong nuôi trồng chế biến thực phẩm có gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe hàng triệu người, nhưng khó có chuyện chết ngay sau khi ăn nên không thể đếm người chết để định tội. Vụ nước tương đen ở TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế ém nhẹm thông tin suốt 3 năm, sau đó mới bị báo chí phanh phui. Hàng chục triệu người bị ảnh hưởng. Bệnh viện ung thư luôn quá tải. Tuy vậy, chưa nhìn thấy ai sau khi ăn chết ngay cả. Vậy mức phạt tiền như qui định mới vẫn không là gì so với lợi nhuận kiếm được từ việc gian dối ở các doanh nghiệp có doanh thu lớn. Tôi cho rằng cần tiếp tục sửa luật theo hướng chế tài nghiêm khắc thì mới giải quyết được vấn đề.

Để cải thiện tình hình thì không phải chỉ có sửa luật mà cần đồng bộ mọi giải pháp:

- Trước hết, cần có bộ máy thực thi đủ liêm chính (cái này khó đấy, nhưng khó cũng vẫn phải làm và phải làm cho bằng được);

- Sửa luật chế tài nghiêm khắc. Giám sát nghiêm khắc và xử lý thật nghiêm;

- Qui định thật rõ các chất được dùng và liều lượng, cách thức dùng. Quản lý chặt việc kinh doanh hóa chất, thuốc bảo vệ, bảo quản, phụ gia thực phẩm;

- Tuyên truyền ý thức pháp luật cho mọi người. Bắt buộc một số loại hình kinh doanh nuôi trồng, chế biến thực phẩm phải học về an toàn thực phẩm. Việc này cần phát huy tối đa sức mạnh của truyền thông;

- Xử lý công khai các đối tượng vi phạm và truyền thông rộng rãi;

Việc truy cứu trách nhiệm cũng không khó. Ví dụ: Kiểm tra quán phở. Nếu bánh phở có vấn đề thì truy nơi cung cấp. Nếu quán phở không cung cấp được thông tin thì quán phở lãnh trách nhiệm trọn gói, thậm chí bị phá sản. Chủ hộ kinh doanh phải bán cửa bán nhà đi mà nộp phạt. Tôi nghĩ nếu thật sự làm và làm nghiêm khắc như thế thì chẳng đến nỗi be bét như hiện nay. Cái be bét này còn nằm ngay trong chính tư duy của những người có trách nhiệm, sau đó mới là thói xấu của dân... gian.


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ý kiến của bạn