Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 117 triệu đồng với thủ đoạn giả danh nhân viên tài chính cho vay qua mạng xã hội.
Trước đó, vào ngày 09/6/2022, Công an phường Thành Công tiếp nhận đơn trình báo của chị H (SN 1981; HKTT: Đông Anh, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online.
Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, chị H đã lên mạng internet để tìm kiếm. Sau đó có một đối tượng liên hệ, hướng dẫn chị H làm thủ tục vay 200 triệu đồng. Để nhận được tiền, chị H phải đóng phí mới được giải ngân.
Chị H đã gửi 117 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không rút được khoản vay. Lúc này chị H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Ngày 12/6, khi đang lướt MXH chị T.T.N.Q (SN 1992, HKTT tại Thanh Hóa) thấy quảng cáo của một sàn thương mại điện tử với hình thức nạp tiền vào cho lợi nhuận cao.
Ban đầu khi còn nghi ngờ chị Q đã nạp thử 5.000.000 đồng, sau đó rút lại được. Tuy nhiên sau khi nạp lên 15 triệu, chị Q được thông báo phải nộp 3 lần, tổng cộng là 45 triệu thì mới được rút lại tiền. Vì khi đó không có sẵn tiền, chị Q đã vay mượn cho đủ số tiền nạp vào app, tuy nhiên khi nộp đủ 45 triệu theo yêu cầu, thì chị Q được lại được thông báo là quá thời gian nên không rút lại được tiền, muốn rút được tiền phải chờ 6 tháng sau.
Biết mình bị lừa chị Q. yêu cầu trả lại tiền nếu không sẽ báo công an tuy nhiên những đối tượng này rất thách thức bảo "cứ việc trình báo".
Điều đáng nói trước khi nộp tiền, chị Q đã hỏi một tài khoản khác cũng là người chơi của sàn thương mại này, người này cho biết đã nộp 45 triệu và rút ra được, nhưng khi chị Q nộp tiền vào người này đã hủy kết bạn, block tin nhắn.
Trước đó, vào khoảng 12h30' ngày 05/5/2022, anh Đ (SN 2001; HKTT: Nam Định) nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản của anh bị đóng băng. Để mở lại tài khoản, anh Đ phải đóng tiền vào một tài khoản khác.
Sau 2 lần đóng với số tiền 35 triệu đồng, anh Đ mới biết mình bị lừa và đến Công an phường Dịch Vọng Hậu trình báo.
Trước thực trạng trên Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền.
Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là "bẫy" của các đối tượng lừa đảo.
Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.
Người dân, tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, đưa tiền mặt cũng như cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào có biểu hiện nghi ngờ cũng như có các dấu hiệu lừa đảo.
Khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân cần liên hệ với Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngân hàng để kiểm tra, xác thực hoặc liên hệ với cơ quan Ccng an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Một số thủ đoạn lừa đảo qua không gian mạng:
Thủ đoạn lợi dụng lòng tham của người dân
1. Lừa đảo nhận quà từ nước ngoài
Các đối tượng kết bạn qua Facebook, Zalo... giới thiệu là người nước ngoài để làm quen với bị hại, hứa hẹn chuyển về cho bị hại một món hàng, quà có giá trị lớn. Sau đó bố trí các đối tượng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện, thuế... liên lạc với bị hại thông báo tiền, hàng đã chuyển về Việt Nam, phải nộp các loại thuế, lệ phí, cước phí… để có thể nhận tiền, hàng hóa từ nước ngoài gửi về, bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng do chúng cung cấp sau đó ngắt liên lạc, chiếm đoạt tiền.
2. Lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Sen Đỏ...)
Các đối tượng mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Sendo, Lazada…) tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số… theo các đơn hàng bất kỳ mà chúng gửi, hứa hẹn trả tiền công và lợi nhuận cao từ 10% đến 30%.
Sau khi tạo dựng niềm tin cho bị hại bằng một số đơn hàng giá trị nhỏ thanh toán hoa hồng đầy đủ, chúng yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn, sau đó đưa ra các lý do người cộng tác vi phạm quy định như lỗi sai cú pháp, vượt quá định mức số tiền thanh toán trong ngày, quá hạn… dẫn đến bị khóa tài khoản và yêu cầu bị hại chuyển thêm nhiều lần tiền để bảo lãnh, xác minh tài khoản… thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi. Đối tượng đưa bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền, tiếc tiền nên phải theo cho đến khi hết khả năng thanh toán thì mới biết bị lừa.
3. Lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo
Lừa đảo qua kêu gọi người dân bỏ tiền tham gia đầu tư, mua - bán, giao dịch các loại "tiền ảo", "tiền kỹ thuật số", "tiền mã hóa" (Bitcoin, Etherum, USDT…) trên các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO), sàn đầu tư ngoại hối… gắn mác giấy phép hoạt động của nước ngoài, kèm theo các lời cam đoan, hứa hẹn lợi nhuận lớn, bảo hiểm vốn…
Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp làm mất giá trị của đồng tiền ảo, điều chỉnh kết quả giao dịch thắng thua một cách tinh vi hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.
4. Lừa đảo trúng thưởng
Các đối tượng sử dụng mạng xã hội (Zalo, facebook…) có giao diện giống các công ty, tập đoàn kinh doanh, nhắn thông tin khuyến mại hoặc trúng thưởng đến người sử dụng.
Để tạo sự tin tưởng cho nạn nhân, chúng thường tạo ra những chương trình khuyến mại, trúng thưởng có giá trị cao như xe máy SH, điện thoại, ô tô…
Sau đó chúng dẫn dụ bị hại truy cập các trang web giả mạo điền thông tin cá nhân như email, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng để nhận giải thưởng nhưng nhằm mục đích chiếm đoạt thông tin cá nhân và tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu bị hại nộp tiền lệ phí để nhận giải thưởng rồi chiếm đoạt.
Thủ đoạn lợi dụng lòng tin của người dân
1. Lừa đặt cọc mua hàng nhằm chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng đăng tin bán ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, đồ dùng… trên các trang mạng xã hội (Facebook, zalo,…). Sau khi nhận được tiền đặt cọc bằng hình thức chuyển khoản trước từ người đặt mua hàng, đối tượng không giao hàng hoặc giao hàng giả, sau đó khóa trang mạng, cắt liên lạc, chiếm đoạt tài sản.
2. Chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản cá nhân (zalo, facebook…), mạo danh người thân, người quen để lừa vay tiền, chuyển tiền
Các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, Zalo của người sử dụng, giả danh chủ tài khoản nhắn tin cho người thân, bạn bè hoặc các mối quan hệ uy tín để vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng (do chúng cung cấp) sau đó chiếm đoạt tài sản.
3. Lừa vay vốn qua mạng
Lợi dụng tâm lý muốn được vay vốn với số tiền lớn, lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn, các đối tượng đã đăng tin cho vay vốn thông qua các ứng dụng, mạng xã hội như (Zalo, Facebook…).
Sau khi tiếp cận được nạn nhân, chúng sử dụng sim, tài khoản thuộc các trang mạng xã hội để hướng dẫn thực hiện thủ tục vay thông qua các ứng dụng tài chính online.
Tiếp theo, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nhiều lần vào các tài khoản mà chúng cung cấp với các lý do như chuyển tiền để chứng minh tài chính, nộp tiền thuế khoản vay, chuyển tiền để bảo đảm hồ sơ vay, tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin; số tiền vay vượt quá định mức vay… Sau khi nạn nhân chuyển tiền thì các đối tượng nhanh chóng rút tiền khỏi tài khoản, khóa sim, cắt đứt liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.