Từng là một trong những chính trị gia quyền thế nhất Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang không chỉ là chiếc ô bảo hộ cho thành viên gia tộc mình làm giàu, mà còn chỗ dựa cho các thương nhân, doanh nghiệp sân sau. Lưu Hán, ông chủ của tập đoàn tư nhân hàng đầu tỉnh Tứ Xuyên, là một trong những doanh nhân được cha con nhà họ Chu tin cậy nhất.
Cao thủ đầu cơ
Lưu Hán sinh năm 1965, là người con thứ ba trong một gia đình thị dân năm con tại thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên. Anh cả là Lưu Kiện, từng làm công nhân, nhưng chìm đắm trong nghiện ngập ma túy. Theo Caixin, trong các anh em, Lưu Hán gần gũi nhất với người em út Lưu Duy, người sau này là một tay anh chị xã hội đen khét tiếng trong tỉnh.
Năm 1986, khi tuổi đời mới 21 tuổi, Lưu Hán bắt đầu bước chân vào con đường kinh doanh đồ gỗ và vật liệu xây dựng. Nắm rõ mánh khóe của ngành gỗ, Lưu kiếm được những khoản tiền đầu tiên sau nửa năm làm ăn. Để tìm chỗ dựa, Lưu thông qua mối quan hệ của bạn bè, móc nối với lãnh đạo Ủy ban Cải cách Thể chế của thành phố Quảng Hán, liên kết thành công cửa hàng của mình với một công ty trực thuộc ủy ban này.
Năm 1991, Lưu còn theo học trung cấp chuyên ngành quản lý kinh tế tại Đại học Liên hợp Tứ Xuyên. Tuy nhiên, bước chuyển mình quan trọng trong đời làm ăn của Lưu là vào năm 1993, khi doanh nhân này bước chân vào lĩnh vực đầu cơ hợp đồng tương lai. Trong lĩnh vực tài chính, hợp đồng tương lai là một hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa với giá thỏa thuận hôm nay nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai.
Năm đó, Lưu Hán chỉ bỏ ra 2 triệu nhân dân tệ (333.000 USD) đầu cơ tại Sở giao dịch Thượng Hải, nhưng kiếm được khoản lợi nhuận lớn gấp 10 lần. Hai năm sau, Lưu chuyển về thị trường tỉnh Tứ Xuyên, đầu cơ nguyên liệu nấu rượu. Chỉ sau gần bốn tháng, Lưu kiếm về hơn 200 triệu nhân dân tệ (33 triệu USD).
Nhưng cũng vì vụ làm ăn này, Lưu kết thù với Viên Bảo Cảnh, một cao thủ đầu cơ ở Bắc Kinh. Khi đó, Viên muốn nâng giá nguyên liệu nấu rượu của Tứ Xuyên, nhưng vì Lưu ra tay ép giá mà phải chịu thiệt hại hàng chục triệu nhân dân tệ. Năm 1997, Viên thuê sát thủ hòng ám hại Lưu nhưng bất thành. Sau vụ việc lần đó, Lưu Duy lập tức điều một nhóm đàn em xã hội đen làm bảo vệ cho anh trai.
Năm 2005, Viên Bảo Cảnh nhận án tử hình vì tội danh giết người và âm mưu giết người. Lifeweek dẫn lời một quan chức giấu tên trong ngành tư pháp cho biết, Viên vốn có cơ hội được giảm án xuống tù chung thân, nhưng Lưu Hán thông qua các mối quan hệ cấp cao để tòa ra phán quyết y án.
Câu kết với tham quan
Năm 1994, lãnh đạo thành phố Miên Dương mời Lưu Hán tham gia dự án sửa sang hệ thống đê điều của địa phương. Thị trưởng thành phố khi đó hứa sau khi dự án hoàn thành, sẽ khoanh ra 300 mẫu đất giao cho Lưu để xây dựng khu đô thị. Đây là vụ giao dịch đầu tiên giữa Lưu và quan chức tỉnh Tứ Xuyên.
Năm 1995, Lưu Hán đầu tư 120 triệu nhân dân tệ (20 triệu USD) vào dự án khu đô thị mà thành phố Miên Dương đã hứa. Nhưng trong quá trình bồi thường, tranh chấp nổ ra giữa công ty của Lưu và người dân địa phương. Lưu liền chỉ thị đội trưởng đội bảo vệ Đường Tiên Binh đâm chết Hùng Vĩ, đại diện của dân địa phương.
"Sau vụ đó, mọi người không ai dám kêu ca gì nữa, dự án vì thế mà được tiến hành thuận lợi", một người dân địa phương cho biết. "Đường Tiên Binh cũng không bị điều tra gì cả".
Năm 1997, Lưu Hán thành lập Tập đoàn Hán Long, với lĩnh vực kinh doanh rộng lớn, từ đầu cơ tài chính, bất động sản, du lịch đến năng lượng. Nhờ mối quan hệ rộng lớn trong giới quan chức tỉnh và trung ương, tập đoàn của Lưu đều giành được các hợp đồng và dự án lớn. Theo Xinhua, đến năm 2013, tổng tài sản của Lưu Hán lên đến 40 tỷ nhân dân tệ (6,6 tỷ USD), có tên trong danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc.
Một quản lý của Tập đoàn Hán Long cho hay, Lưu Hán không chỉ là một trong những người giàu nhất Tứ Xuyên, mà còn là ông trùm xã hội đen khét tiếng tàn nhẫn tại tỉnh này. "Ông ấy có cái uy khiến người khác vừa sợ, lại vừa nể", người này nói.
Theo lời kể của một quan chức hưu trí tỉnh Tứ Xuyên, mỗi khi đầu tư vào một lĩnh vực nào, Lưu Hán đều mời người thân của lãnh đạo phụ trách lĩnh vực hoặc địa phương đó tham gia cổ phần. "Rất nhiều bạn đồng liêu của tôi đều hợp tác với Lưu, bởi người này rất chịu chi tiền và rất có đầu óc", cựu quan chức này nói.
Bà Dương Tuyết, vợ cũ của Lưu Hán, từng khai với nhân viên điều tra rằng, Lưu rất biết cách hối lộ quan chức. "Lưu Hán thường đưa tôi đi tiếp đãi quan chức. Mỗi lần như vậy, anh ấy lại biếu họ những món quà giá trị lớn như vàng hay ngọc thạch, có khi lên đến hàng triệu nhân dân tệ", Dương nói. "Nhiều khi, Lưu còn thông qua hình thức đánh bạc để hối lộ quan chức".
Lưu Hán thậm chí từng quyên góp 120 triệu nhân dân tệ (20 triệu USD) cho một quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh Vân Nam, để giành được quyền mời cơm các lãnh đạo của tỉnh này. Lưu cũng chấp nhận đề nghị của lãnh đạo tỉnh Tứ Xuyên, đầu tư vào một số dự án thiếu triển vọng, để đổi lại cơ hội được làm quen với giới lãnh đạo cấp cao hơn tại trung ương.
"Lưu Hán rất biết cách quan hệ với quan chức, biết cách làm thế nào để lợi dụng các mối quan hệ xã hội ấy làm lợi cho mình", một đối thủ kinh doanh với Lưu nhận xét.
Quan hệ với gia tộc họ Chu
Wall Street Journal dẫn lời một lãnh đạo Tập đoàn Hán Long cho biết, quan hệ giữa Lưu Hán và cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang rất mật thiết. "Trong một thời gian dài, Chu rất chiếu cố đến công việc làm ăn của Lưu", người này nói. Chu từng là bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên giai đoạn 1999-2002, trước khi được điều động lên trung ương.
Lưu từng khai với nhân viên điều tra rằng, dưới sự dàn xếp của Chu Vĩnh Khang, Tập đoàn Hán Long từng bỏ vốn vào một doanh nghiệp hóa học của tỉnh để cứu công ty này thoát khỏi nguy cơ phá sản. Đổi lại, vào cuối năm 2002, tòa án tỉnh ra phán quyết chuyển một phần cổ phần của doanh nghiệp trên cho Lưu Hán, với giá trị ước tính 13 triệu USD.
Cũng trong ba năm Chu Vĩnh Khang công tác tại Tứ Xuyên, Lưu Hán đầu tư hơn 130 triệu USD vào các dự án mà tỉnh trực tiếp điều hành. "Khi các dự án có vấn đề, lãnh đạo tỉnh đề nghị tôi hùn vốn thêm vào. Tôi đồng ý chỉ vì muốn giúp họ, chứ không hoàn toàn quan tâm", Lưu cho biết.
Quan hệ làm ăn giữa Lưu Hán và Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang, chỉ bắt đầu sau khi Chu chuyển lên trung ương nhậm chức bộ trưởng Công an vào năm 2002. Năm đó, vợ của Chu Bân là Hoàng Uyên, giành được quyền khai thác khu du lịch núi Cửu Đỉnh với chính quyền huyện Mậu, Tứ Xuyên trong thời gian 50 năm.
Sau khi thuê một công ty thiết kế của Mỹ lên dự án và quay video quảng cáo, Hoàng liên hệ với Tập đoàn Hán Long để rao bán. Sau khi xác nhận thân thế của Hoàng Uyển, Lưu Hán quyết định mua lại với giá 20 triệu nhân dân tệ (3,3 triệu USD).
"Khi đó, một số lãnh đạo công ty cho rằng khu du lịch đó vị trí không đẹp, nhưng Lưu Hán nói cứ mua, chỉ cần giá cả không quá đáng là được", một quản lý của Tập đoàn Hán Long cho hay. "Lưu chịu lỗ là để giữ quan hệ với Chu Bân".
Năm 2005, Lưu bỏ ra 1,2 tỷ nhân dân tệ (200 triệu USD) thành lập công ty điện lực Hưng Đỉnh, nhằm xây dựng trạm phát điện tại hạ lưu sông Mao Nhĩ Cái. Tuy nhiên, Ủy ban Phát triển và Cải cách tỉnh Tứ Xuyên lại không đồng ý cho Lưu nắm trọn cổ phần của Hưng Đỉnh.
Để lách luật, Lưu nhờ Chu Bân đứng tên sở hữu 20% cổ phần của công ty Hưng Đỉnh, đồng thời ra mặt can thiệp với chính quyền. Sau này, dự án trên của Lưu được chính quyền tỉnh phê chuẩn, và vay thêm được 600 triệu nhân dân tệ (100 triệu USD). Năm 2009, Tập đoàn Hán Long mua lại từ tay Chu Bân cổ phần của công ty Hưng Đỉnh.
Sau Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc cuối năm 2012, Chu Vĩnh Khang về hưu theo quy định. Cùng với sự mở rộng của chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động, hàng loạt thuộc hạ, doanh nghiệp sân sau và người thân của Chu lần lượt bị điều tra.
Tháng 3/2013, Lưu Hán và em trai là Lưu Duy cũng bị bắt giữ. Hơn một năm sau, hai anh em nhà họ Lưu bị kết án tử hình, với 15 tội danh, bao gồm giết người, giam giữ người trái phép, các tội liên quan tới tài chính, kinh doanh phi pháp, điều hành sòng bạc và buôn súng trái phép. Ngày 9/2, Lưu Hán, tỷ phú mafia khét tiếng một thời, bị xử tử.
Theo VnExpress