Hà Nội

Thư cám ơn

17-02-2014 20:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi xin trân trọng gửi tới bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; nhà báo, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng Biên tập báo Sức khỏe&Đời sống lời kính chúc sức khỏe, chúc cho sự nghiệp y tế Việt Nam ngày càng phát triển mạnh cả về chất và lượng...

Hà Nội, ngày 01 Tết Giáp Ngọ năm 2014

Kính gửi: Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế

Đồng kính gửi: Nhà báo, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn - Tổng Biên tập báo Sức khỏe&Đời sống

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi xin trân trọng gửi tới bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; nhà báo, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng Biên tập báo Sức khỏe&Đời sống lời kính chúc sức khỏe, chúc cho sự nghiệp y tế Việt Nam ngày càng phát triển mạnh cả về chất và lượng, đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội.

Kính thưa bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; nhà báo, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, tôi không khỏi xót xa trước những hiện tượng tiêu cực của ngành y tế. Nhưng nếu chúng ta chỉ thấy được mùi vị đắng cay của ngành y tế mà không thấy được vị ngọt của ngành là chưa khách quan và thiếu công bằng.

Tôi là Nguyễn Thị Minh Đức, vợ của bệnh nhân - thương binh Nguyễn Đình Lục, trú tại số nhà 28 ngõ 16 Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy, Hà Nội (tổ 18, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

Chồng tôi bị mảnh đạn găm vào phổi, nên chức năng phổi rất kém, trong 25 năm (từ năm 1989 - 2014) liên tục nhập viện. Hết Bệnh viện Phổi Trung ương lại đến Bệnh viện E Trung ương. Đợt nhập viện gần đây nhất (từ ngày 12/12/2013 đến ngày 22/1/2014) tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện E Trung ương, suốt 40 ngày điều trị thì phải đến 10 ngày, chồng tôi trong tình trạng suy hô hấp, suy kiệt nặng. Một ngày phải cấp cứu ít nhất 2 lần. Chồng tôi phải thở máy 100% mà ôxy chỉ đáp ứng 40 - 50%, người tím tái, nguy cơ tử vong cao.

Biết bao lần 1 - 2 giờ sáng hoặc 12 giờ trưa, đang ăn dở bát cơm cả kíp trực thấy người nhà gọi lại vội vàng chạy đến để tiến hành cấp cứu.

Có những hôm bệnh nhân nặng vào đông, kíp trực phải cấp cứu liên tục hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Bữa cơm trưa phải để lại đến 4 giờ chiều mới được ăn. Tuy cơm canh nguội lạnh nhưng ai cũng thấy vui vì đã cứu được người bệnh qua cơn hiểm nghèo.

Không thể kể hết các ca trực mà bác sĩ, điều dưỡng đã giúp đỡ chồng tôi vượt qua được lưỡi hái tử thần. Họ không hề tỏ thái độ vòi vĩnh, quà cáp hay phong bì gì cả. Những cử chỉ, việc làm của đội ngũ bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E đã gây ấn tượng sâu sắc với gia đình tôi. Có lúc tính mạng chồng tôi “ngàn cân treo sợi tóc”, chồng tôi bi quan chán nản không thiết sống, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Định cười an ủi: “Bác cứ yên tâm, bệnh của bác tiến triển rất tốt, phổi của bác chụp phim khá lên nhiều. Bác cố gắng nhé. Bác sắp khỏe rồi”.

Trong lúc khám và điều trị, các bác sĩ, điều dưỡng luôn gọi: “Bác Lục ơi, bác thấy trong người thế nào? Bác cố gắng nhé”.

Bác sĩ, điều dưỡng gọi vì sợ chồng tôi ôxy tụt lịm đi. Mỗi lần tiêm, lấy ven để đặt kim truyền, hoặc chọc dịch màng phổi, bác sĩ, điều dưỡng đều nhẹ nhàng động viên: “Bác Lục ơi, bác có đau không? Chỉ một tí là xong thôi, bác cố gắng nhé”.

Chồng tôi bệnh nặng, đờm kéo lên sằng sặc, cứ mấy phút lại phải gọi điều dưỡng hút đờm. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hồng, sau khi hút xong đờm cho chồng tôi dặn dò: “Kể cả lúc chúng cháu đang ăn trưa, nếu cần hút đờm bác cứ gọi, đừng ngại, hay khi chúng cháu vừa hút xong mà đờm lại kéo lên thì bác cứ gọi chúng cháu nhé”.

Có thể nói sự nhiệt tình, đầy trách nhiệm của tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E rất đáng trân trọng và biểu dương. Họ vững vàng cả khi phải chịu áp lực cam go. Đó là đêm 19 rạng ngày 20/1/2014, bệnh nhân Vàng Thị Sang bị xuất huyết não, tử vong. Trong lúc thiếu bình tĩnh, gia đình bệnh nhân đã phá cửa sắt xông vào Khoa Hồi sức cấp cứu đòi “cắt gân” cả kíp trực giữa lúc họ đang cấp cứu cho bệnh nhân. Các bác sĩ, điều dưỡng phải bình tĩnh giải thích căn nguyên tình trạng dẫn đến tử vong để gia đình cảm thông, tạo điều kiện cho kíp trực tiếp tục làm việc, cấp cứu cho bệnh nhân giường bên cạnh. Vất vả, căng thẳng, mệt mỏi thức trắng đêm họ vẫn không quản ngại, tận tình cứu chữa cho người bệnh, coi người bệnh như những người ruột thịt của mình. Tôi đã tận mắt chứng kiến điều dưỡng Bùi Đức Lộc cho tay vào hậu môn móc phân cho bệnh nhân Hồ Thị Dụ bị táo bón (bệnh nhân bị tai biến mạch máu não không thể đại tiện được). Nhiều lần chứng kiến điều dưỡng Bùi Đức Lộc đi hút đờm, thay băng cho bệnh nhân nặng. Không chỉ làm chuyên môn, anh còn dành tình cảm yêu thương bệnh nhân qua những việc làm: đến đắp chăn, giắt ga vào mép giường, nâng đầu lên gối cho bệnh nhân. Cứ nhẹ nhàng, cẩn thận, chu đáo qua hết ngày này sang ngày khác, đêm trực này sang đêm trực khác, không hề suy tính với người nhà bệnh nhân.

Người mà tất cả các bệnh nhân trong khoa đều phải ấn tượng sâu sắc đó là Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Định - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện E. Bệnh nhân nặng mấy mà nhìn ánh mắt thân thiện, nụ cười đôn hậu của anh là người bệnh cảm thấy nhẹ đi rất nhiều. Anh chẩn đoán bệnh chính xác, phác đồ điều trị hiệu quả. Người nhà bệnh nhân hết sức yên tâm. Từ lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, việc làm gương mẫu của Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Định đã có tác động sâu sắc đến tập thể cán bộ công nhân viên chức trong khoa.

Đội ngũ thầy thuốc trong khoa tiếp xúc với người bệnh thiện cảm hơn, gần gũi, ân cần hơn và tốt lên rất nhiều so với các năm trước. Chồng tôi nằm viện hàng tháng mà tôi cảm thấy ấm áp đầy tình cảm như người thân trong gia đình.

Người điều trị trực tiếp cho chồng tôi là bác sĩ Đỗ Quốc Phong luôn thăm khám cẩn thận, kỹ càng. Khi trực tiếp mở khí quản cho chồng tôi, bác sĩ nhẹ nhàng giải thích: “Chỉ là tiểu phẫu, rất đơn giản chỉ 5 phút là xong thôi, gia đình cứ bình tĩnh không phải lo lắng gì cả”.

Từ suy hô hấp, suy kiệt nặng phải thở ôxy 100%, phải mở khí quản, ăn bằng đường xông, nay chồng tôi đã ra viện đón Tết Giáp Ngọ, ăn được bánh chưng, nói cười vui vẻ.

Tôi thấy sự hy sinh thầm lặng của tập thể Khoa Hồi sức cấp cứu rất đáng trân trọng. Cần có sự động viên kịp thời. Ngoài sự khen thưởng hàng năm, nên chăng mỗi tháng một lần khoa cần bình bầu từ 2 - 3 cá nhân điển hình. Nếu cho phép bình chọn tôi xin giới thiệu 3 cá nhân: Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Đức Định - Trưởng khoa, bác sĩ Đỗ Quốc Phong, điều dưỡng Bùi Đức Lộc.

Dẫu kinh phí có hạn, song sự khen thưởng kịp thời chính là động lực rất có ý nghĩa để các thầy thuốc cảm thấy việc cứu chữa người có ý nghĩa cao cả biết chừng nào khi được xã hội ghi nhận.

Kính mong tâm nguyện của tôi được bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận.

Kính mong nhà báo, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, Tổng Biên tập báo Sức khỏe&Đời sống đưa lên công luận để các thầy thuốc cùng học tập và noi theo. Và xin dư luận hãy công bằng hơn nữa với các thầy thuốc trong việc khen - chê để y đức các thầy thuốc ngày càng tốt hơn.

                     Kính thư

      Nguyễn Thị Minh Đức ( đã ký)


Ý kiến của bạn