Thư bệnh nhân về vụ "gác chân lên ghế": Đừng đẩy bác sĩ đến bên bờ vực thẳm

18-09-2017 09:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Mỗi nhân viên y tế khi khoác trên mình chiếc áo trắng blouse, chắc hẳn đều mang trong mình lý tưởng nghề nghiệp và tình yêu thương con người cao cả?

Tôi đã bật khóc và cảm thấy vô cùng phẫn nộ khi xem clip nữ TS. BS. N.T.M –Khoa Mắt trẻ em – Bệnh viện Mắt Trung ương ngồi gác chân lên ghế khi ôn tồn trả lời cho người nhà bệnh nhi theo yêu cầu và đòi hỏi của họ. Rồi hàng loạt nhữngbình luận, chia sẻ với ngôn từ ác ý như những mũi dao đâm thẳng vào trái tim người thầy thuốc.

Vất vả ai thấu chăng?

Tôi đã từng phải nằm điều trị dài ngày ở một bệnh viện tuyến Trung ương và đã thăm khám ở đó theo định kỳ nhiều năm. Tôi đã từng xếp hàng hàng giờ đồng hồ để chờ đến lượt khám và cũng đã tận mắt nhìn thấy những giọt mồ hôi của các thầy thuốc sau một ca phẫu thuật.

Hàng ngày, hàng ngàn người ở khắp các tỉnh thành đổ về Hà Nội để chữa bệnh. Mỗi phòng khám thuộc Khoa khám bệnh của bệnh viện phải tiếp hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi ngày. Những bước chân vội vã, những bữa cơm trưa rất khẩn trương và những gương mặt luôn phải tập trung cao độ để làm việc, để cứu chữa người bệnh. Có mấy ai biết rằng, để có thể trở thành một điều dưỡng viên, một bác sĩ là phải đánh đổi biết bao công sức, thời gian và trí tuệ. Càng làm việc ở các tuyến bệnh viện trên, áp lực công việc càng lớn và bệnh nhân càng đông. Họ không chỉ làm việc, mà còn phải luôn luôn trau dồi kiến thức, nghiên cứu khoa học, nâng cao chuyên môn, để phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn.

Tôi chỉ là một người bình thường , đã từng là một bệnh nhân và tôi không hề quen biết BS. M. nhưng tôi vô cùng cảm thông với chị và đặt mình vào hoàn cảnh của chị để thấu hiểu. Một bác sĩ đã công tác 30 năm trong nghề, chỉ còn 2 năm nữa là về hưu, chắc hẳn đôi bàn tay và sự nhiệt tình của chị đã cứu sống hàng triệu đôi mắt trẻ em, đem lại ánh sáng cho rất nhiều người? Liệu người cha của bệnh nhi 8 tuổi mà BS. M. thăm khám và những người đã, đang “ném đá”, nguyền rủa BS. M. và ngành y tế, có bao giờ đặt mình vào vị trí của các bác sĩ, điều dưỡng chưa, dù chỉ là 1 phút thôi, để  lắng nghe, để bình tĩnh và cảm thông?

Bác sĩ, điều đưỡng hay bất kỳ ai cũng đều có quyền được tôn trọng và nghỉ ngơi. Họ không phải là thánh nhân hay siêu nhân mà làm việc không biết mệt mỏi. Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, nếu một buổi sáng chúng ta phải gặp và khám bệnh với mấy chục người, mỗi người một tính cách, một vùng miền và một căn bệnh khác nhau. Chúng ta có phải căng đầu lên để khám, chỉ định và kê đơn cho bệnh nhân như họ không? Có phải hoa mắt, chóng mặt không? Và trong một vài phút nào đó, cũng có những cử chỉ mất mỹ quan như co chân lên ghế, ngáp vặt mà chưa kịp lấy tay che miêng hay vội vàng vừa nhai miếng bánh mì vừa làm việc để bụng bớt đói không?

Câu trả lời, tôi thiết nghĩ là có. Vậy tại sao chúng ta không đặt mình vào vị trí của nhau để hiểu? Người đàn ông là cha của bệnh nhi và người quay clip rồi đưa clip lên mạng xã hội, đã bao giờ đặt mình vào người bác sĩ ấy chưa? Để giờ đây, người bác sĩ ấy đang phải đối mặt với búa rìu dư luận, đối mặt với quyết định kỷ luật, tạm dừng làm chuyên môn, rồi bao ánh mắt soi mói của mọi người xung quanh. Tôi đã xem nhiều lần clip đó và tôi không thấy chị thiếu chuẩn mực trong ngôn từ hay sai về mặt chuyên môn khi giải thích cho cha của bệnh nhi về tình trạng của cháu bé. Phải chăng, chúng ta đã quá tàn nhẫn với chị?

Bạn thân của tôi là một điều dưỡng làm việc trên nhà mổ của một bệnh viện chuyên khoa, bạn ấy kể lại rằng, hàng ngày có hàng chục bệnh nhân mổ xẻ, có những ca mổ cấp cứu kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ. Có nhiều ca mổ suốt đêm đến sáng vẫn chưa xong. Sau ca mổ, cả bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng mệt mỏi đến mức ăn tạm bát mỳ tôm, rồi lăn ra nền nhà chợp mắt một lúc, rồi lại mổ tiếp. Cô ấy chia sẻ, nhiều lúc mệt mỏi quá mất hết phản xạ giữ gìn hình ảnh cá nhân. Trong đầu chỉ nghĩ làm sao phải cố gắng hết sức để cứu được bệnh nhân thôi.

Những hình ảnh ấy nếu một ngày ai đó nhìn thấy, họ cũng quay lại clip và  đăng tải lên mạng xã hội thì sẽ ra sao? Họ có hiểu đằng sau những dáng ăn không kịp nhai, ngủ chớp nhoáng không cần giường… ấy là bao nhọc nhằn và hy sinh mà những con người ấy dành cho cuộc đởi, cho mạng sống quý giá của người bệnh. Và, hành động co chân lên ghế của bác sĩ Minh cũng thế, tôi rất thấu cảm với chị.

Cần lắm sự cảm thông

Thật tiếc biết bao, nếu như đoạn clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt ấy không phải là hình ảnh co chân lên ghế bình tĩnh giải đáp thắc mắc của BS. M. với người nhà bệnh nhân đang bắt chị phải thực hiện theo “chỉ đạo” của họ, mà thay vào đó là clip về khoảnh khắc chị đang miệt mài phẫu thuật cho bệnh nhân hay đang cấp cứu cho bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo thì sẽ tuyệt vời nhường nào. Bởi biết đâu qua đó, xã hội sẽ nhìn nhận sâu sắc hơn về một nghề đầy rủi ro vất vả, và hiểu được phần nào thực tế những góc khuất cảm xúc của những con người mang sứ mệnh thiêng liêng chữa bệnh cứu người!

Chúng ta đồng ý rằng cử chỉ co chân lên ghế của chị là hành động không đẹp và không chuyên nghiệp, cần phải rút kinh nghiệm, nhưng nó không vi phạm đạo đức và quy chuẩn ứng xử giao tiếp, nên hãy nhìn nhận toàn diện và trên tinh thần nhân văn. Đừng vì một cái gác chân vì quá mệt mỏi, không kiểm soát được hành vi, mà chúng ta đánh mất và chà đạp một người thầy thuốc giỏi. Điều đó thật không công bằng và có phần nghiệt ngã.

Đừng bắt các thầy thuốc phải chịu những tổn thương vì họ đã và đang cố gắng làm tròn sứ mệnh của mình. Đừng đẩy họ đến bên bờ vực thẳm. Họ cũng là con người như biết bao con người trên thế gian.


Bạn đọc là Ths. Trần Thị Huệ (email:phonglan892@yahoo.com )
Ý kiến của bạn