ThS. Lê Thị Hải chỉ rõ món ăn tốt cho người bệnh khớp trong trời lạnh

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa

08-10-2017 16:34 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Bệnh xương khớp thường xuất hiện theo mùa, nhất là khi trời trở lạnh như hiện nay. Bạn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa và giảm tác hại của bệnh khớp gây ra.

Dinh dưỡng cân bằng

Theo TTƯT.ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bệnh cơ xương khớp hiện nay rất phổ biến. Người thừa cân béo phì thường bị xương khớp, bệnh gout; người gầy thiếu dinh dưỡng dễ bị loãng xương, viêm đa khớp dạng thấp. Tùy bệnh từng người mà có chế độ dinh dưỡng khác nhau nhưng nguyên tắc chung là cần áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Người bệnh khớp không nên ăn quá mặn, hạn chế axit béo chưa no, giảm đường, hạn chế thực phẩm ăn nhanh thiếu khoáng chất. Thức ăn chứa nhiều vitamin A, vitamin D giúp kháng viêm giảm đau khớp. Nên ăn cá giàu omega 3, omega 6. Ăn quá nhiều axit béo dễ gây viêm,...

Về mùa lạnh, người bệnh xương khớp có cảm giác đau nhiều hơn, thay đổi thời tiết ảnh hưởng nhiều tới bệnh khớp, nhất là người cơ địa dị ứng. Mùa lạnh không cẩn thận, ăn thực phẩm không đảm bảo ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau khi vận động, buổi tối có thể ngâm nước ấm cảm giác dễ chịu hơn, máu lưu thông tới khớp, giảm đau khớp.

TTƯT.ThS.BS Lê Thị Hải.


Nhìn chung người bệnh khớp nên áp dụng chế độ ăn cân bằng, không quá nhiều chất đạm. Nếu ăn nhiều đường gây thừa cân béo phì, gây thoái hóa khớp. Chế độ ăn nên giàu vitamin và khoáng chất, đạm động vật vừa phải. Nên ăn thực phẩm nguyên hat, giàu đậu đỗ, vitamin A, E, C chống oxy hóa,... Chế độ ăn giàu vitamin khoáng chất tốt cho sức khỏe nói chung, trong đó có sức khỏe xương khớp.

Kiêng ăn gì khi mắc bệnh khớp?

ThS. Hải cho biết, trong bệnh về xương khớp, thực phẩm phải kiêng chúng ta cũng không cần kiêng tuyệt đối. Đối với bệnh gout, cần kiêng thực phẩm giàu đạm. Người béo phì kiêng chất béo và đường,...

Nên kiêng thức ăn không tốt cho sức khỏe như thức ăn mặn, fast food, nhiều đường, nước ngọt có gas, chất béo chuyển hóa,...

Tùy loại bệnh khác nhau thì chế độ dinh dưỡng có thể khác nhau nhưng nhìn chung nên áp dụng chế độ ăn cân bằng, đảm bảo dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế chất béo, chất đạm, đồ ngọt,...

Đối với người già lại có viêm đa khớp dạng thấp, nếu không thừa cân béo phì, vẫn có thể có chế độ ăn bình thường. Nếu tăng cholesterol thì phải áp dụng ăn kiêng, kiêng nội tạng động vật. Nên ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, axit béo giàu omega-3, omega-6, nên kiêng chất béo động vật vì nó gây đau. Nên ăn chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt. Nên kiêng đường, chất béo,... Nên ăn nhiều rau hoa quả tốt cho sức khỏe người già nói chung và tốt cho xương khớp nói riêng.

Với trẻ nhỏ, giai đoạn phát triển trẻ có các mốc quan trọng: bào thai, sơ sinh,...., dậy thì. Ở giai đoạn dậy thì, nhu cầu canxi và khoáng chất rất cao. Một số cháu còn đau xương khớp ở giai đoạn này. Bệnh thấp tim bây giờ thấp hơn rất nhiều so với trước kia. Ví dụ một số cháu bé bắt bố mẹ bóp chân vào ban đêm bởi đau xương khớp. Nên chọn thực phẩm giàu canxi như sữa và chế phẩm của sữa, sữa không đường, phô mai. Nên ăn tôm cua cá, dạng nhỏ ăn được cả xương. Ăn cua đồng giàu canxi, bởi nó ở phần xương, vỏ, thịt có canxi nhưng không cao. Rau xanh như cải bó xôi, ... Tuy nhiên, canxi ở rau hấp thụ không tốt bằng canxi ở sữa hay hải sản. Nên bổ sung cả vitamin D, vitamin K để canxi được hấp thu, vận chuyển đến xương. Sau khi điều trị như vậy, tình trạng đau xương giảm.

Cần đảm bảo dinh dưỡng cân bằng giúp tăng cường sức khỏe. Ảnh minh họa.

Cũng theo ThS. Hải, chế độ ăn cho bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh gout. Hội chứng rối loạn chuyển hóa có người cả bệnh gout, tiểu đường, cao huyết áp,... Nếu chế độ ăn giảm gout thì giảm xương khớp, vì do lắng đọng tinh thể axit uric. Chế độ ăn giảm chất đạm, hạn chế rượu bia tốt cho bệnh gout thì đương nhiên bệnh xương khớp giảm. Bệnh tiểu đường giảm chất đường, chất béo,... cũng giảm bệnh xương khớp. Có người tiểu đường ăn kiêng quá mức làm cơ thể suy kiệt. Tùy theo thể trạng mà ăn kiêng. Nếu người không béo, không cần ăn kiêng quá ngặt nghèo. Ăn đủ chất đạm, nhưng bệnh gout phải kiêng nhiều hơn. Người tiểu đường thì không cần kiêng chất đạm. Cần ăn đủ vitamin, khoáng chất để sức khỏe tốt. Bác nên đến khám bác sĩ dinh dưỡng để có thực đơn cụ thể, dựa theo xét nghiệm bệnh của bác. Hai bệnh này chắc chắn phải ăn kiêng, và chế độ ăn sẽ giúp giảm nhẹ 2 bệnh này.

Có nên ăn cà muối?

Rất nhiều người chúng ta truyền nhau, bị xương khớp không được ăn cà muối. ThS. Hải cho biết: "Hiện tại, tôi chưa thấy tài liệu nào có mối liên quan bị xương khớp do ăn cà muối. Tuy nhiên, có liên quan đây thì có lẽ tất cả các món ăn muối mặn quá đều không tốt cho sức khỏe xương khớp, vì nó làm tăng đào thải canxi. Canxi 99% ở trong tủy xương, nó làm tăng đào thải canxi thì không tốt cho sức khỏe và xương khớp. Chưa kể, khi cà muối còn sống còn chứa chất độc hại gây ung thư".

ThS. Hải khuyến cáo, người dân nên hạn chế ăn muối mặn. Nếu trong bữa ăn, ăn dăm ba quả cà thì không hề gì, nhưng không nên ăn nhiều như có một số người do thói quen mà ăn tới cả bát cà muối thì không nên chút nào. Đông y cho rằng, cà làm bệnh thấp phát triển. Nếu bạn ăn 1-2 quả thì không sao, nhưng ngày nào cũng ăn là không nên.

Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh lý về khớp

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, theo thống kê tại Viện chấn thương chỉnh hình, số lượng bệnh nhân đến khám về chấn thương chỉnh hình và các bệnh lý cơ xương khớp từ 350 - 400 bệnh nhân/ngày. Nếu kể cả các bệnh lý cột sống thì có khoảng 500 -600 bệnh nhân đến khám mỗi ngày, con số này tăng theo từng năm. Lý giải sự tăng này có rất nhiều nguyên nhân như: mặt bệnh đa dạng hơn, tuổi thọ tăng cao, ý thức của người dân về chăm sóc sức khỏe tăng cao, trình độ kỹ thuật chuyên môn của thầy thuốc Việt Nam tăng cao, bắt kịp với khu vực và thế giới.

Theo PGS. Khánh, các nghiên cứu cho thấy, cách đây 20 năm, bệnh nhân đến BV chủ yếu là chấn thương do tai nạn nhưng đến nay mô hình bệnh tật đã thay đổi, ngoài các bệnh lý chấn thương, trật khớp, tai nạn giao thông..., các bệnh lý không do nguyên nhân chấn thương rất nhiều, chiếm tỷ lệ từ 40 -50%. Ví dụ những bệnh lý thoái hóa khớp, bệnh lý do hậu quả của chấn thương thể thao như đứt dây chằng, chấn thương khớp vai, chấn thương vùng cổ chân, hoặc các bệnh lý mạn tính khác như hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, thoái hóa khớp gối...

Lứa tuổi mắc bệnh cũng rất đa dạng, từ người cao tuổi, đến trung niên và cả các cháu thiếu nhi. Do tuổi thọ của chúng ta đang tăng lên, có những người bệnh 80-90 tuổi, thậm chí 100, 105 tuổi cũng đến phẫu thuật tại BV Việt Đức.

Dương Hải
Ý kiến của bạn