Hà Nội

Thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn

02-03-2017 23:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong phiên giải trình của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 1/3...

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong phiên giải trình của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 1/3 về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) thời gian qua…

Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối

Theo bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chính sách thông tuyến khám chữa bệnh (KCB) BHYT thời gian qua có nhiều tác động tích cực. Người có thẻ BHYT được hưởng các dịch vụ KCB tốt hơn. Người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; sống ở xã đảo, huyện đảo được KCB nội trú tại BV tuyến tỉnh, tuyến TW mà không cần giấy chuyển viện. Các cơ sở KCB, đặc biệt ở tuyến huyện, bắt buộc phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng KCB để thu hút người bệnh.

Bà Nguyễn Thị Minh cũng dẫn số liệu thống kê cho thấy, tần suất KCB/thẻ BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện năm 2016 đã tăng lên gần 20% so với năm 2015. Số lượt bệnh nhân khám thông tuyến giữa các trạm y tế xã cũng tăng 1,6 triệu lượt so với năm 2015. Người bệnh cũng được hưởng các dịch vụ KCB tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh.

Thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn vì lợi ích của người dân. Ảnh: TM

Thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn vì lợi ích của người dân. Ảnh: TM

Trước đây, việc thông tuyến KCB cho người dân có thẻ BHYT ở các BV tuyến quận, huyện trong cùng một tỉnh thì từ năm 2015, người bệnh có thể đăng ký KCB theo thẻ BHYT ở các BV tuyến huyện trên toàn quốc. Triển khai theo hướng này giúp bệnh nhân có thêm nhiều sự lựa chọn, thuận lợi hơn trong tiếp cận với các dịch vụ y tế. Số người tham gia BHYT tăng lên. Nếu năm 2015, cả nước chỉ có khoảng 70 triệu thẻ BHYT, bao phủ 76,2% dân số cả nước thì đến năm 2016 có xấp xỉ 76 triệu người tham gia (tăng 8,3% so với 2015), bao phủ 81,7% dân số.

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc thông tuyến không làm gia tăng số lượt KCB chung và trong nhiều năm từ năm 2009 đến năm 2015, Quỹ BHYT luôn có kết dư nhưng năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước khoảng 64.000 tỷ đồng và số chi ước là trên 69.000 tỷ đồng (bội chi hơn 5.100 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, mặc dù số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. “Quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng góp BHYT trong ngắn hạn”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Tăng cường năng lực y tế cơ sở và thực quản lý sức khỏe cho từng người dân

Tại phiên giải trình, hầu hết các đại biểu đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về việc thực hiện lộ trình thông tuyến giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ KCB BHYT. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề đã nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách thông tuyến được các đại biểu đặt ra là một số cơ sở KCB có biểu hiện tiếp thị trong KCB nhằm thu hút người đến khám bệnh; một số nơi giải quyết chuyển tuyến không cần thiết, gây chi phí tốn kém cho quỹ BHYT, cho người bệnh, tăng chi phí đa tuyến cho BV tuyến huyện, rồi tình trạng BV tỉnh xin xuống hạng…

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguyện vọng của người dân, của người bệnh được KCB ở tuyến trên, ở những BV tốt là chính đáng. Vấn đề lỗi là do quản trị, tổ chức, đầu tư chưa tốt chứ không phải do thông tuyến. Giải pháp đề ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở. Hiện nay, Bộ Y tế đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là tăng danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật tại các tuyến dưới để phục vụ người dân…

Với góc độ của cơ quan  BHXH, bà Nguyễn Thị Minh cũng khẳng định, không phải thông tuyến dẫn đến bội chi BHYT mà có nhiều nguyên nhân trong đó lớn nhất là do tăng giá dịch vụ y tế (21%), tăng do đối tượng tham gia (8,4%) và các nguyên nhân khác…

Phát biểu tại phiên giải trình này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thực hiện thông tuyến trong KCB BHYT là chủ trương đúng đắn vì lợi ích của người dân. Dù trong quá trình thực hiện có những bất cập, vướng mắc và không ít tiêu cực nhưng không làm lùi quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các địa phương phải tiếp tục triển khai và đẩy nhanh hơn việc thực hiện thông tuyến KCB BHYT. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, các thời hạn thông tuyến năm 2021 do Quốc hội quy định đấy là thời hạn chậm nhất, còn sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân.

Khẳng định để giải quyết bền vững những băn khoăn của người dân và đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã xác định phải tập trung vào y tế dự phòng, thông qua đề án tăng cường năng lực y tế cơ sở và mới nhất là Kế hoạch Thực quản lý sức khỏe cho từng người dân gắn với BHYT toàn dân với việc Bộ Y tế phải ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản được chi trả bởi BHYT trước năm 2018.


Thái Bình
Ý kiến của bạn