Những ngày qua, dư luận xã hội, đặc biệt là giới báo chí đang có nhiều băn khoăn, thắc mắc trước dự thảo Thông tư ban hành nội quy phiên tòa của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) vừa công bố.
Theo đó, tại Khoản 5, Điều 2 của dự thảo Thông tư về nội quy phiên tòa của TANDTC quy định: “Các nhà báo, phóng viên được tham dự phiên tòa để đưa tin, đưa ảnh khi được sự đồng ý của chánh án tòa án nơi giải quyết vụ án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhưng phải xuất trình thẻ nhà báo, thẻ phóng viên cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút trước giờ khai mạc phiên tòa”. Câu hỏi đặt ra là liệu quy định trong dự thảo thông tư này của ngành tòa án, phải chăng cao hơn Luật Báo chí, là một thứ giấy phép con, làm bó tay nhà báo?
Mặc dù dự thảo đưa ra quy định tác nghiệp tại một phiên tòa của phóng viên phải được sự đồng ý của chánh án tòa án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa... Tuy nhiên không ít các nhà báo cho rằng, dự thảo chưa nêu ra tiêu chuẩn cụ thể như thế nào để chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa chấp thuận hay từ chối cho nhà báo, phóng viên tham dự phiên tòa. Điều này rất dễ gây ra tình trạng thực hiện theo ý chí chủ quan.
Vấn đề đặt ra ở đây là, đã là thông tư thì phải chặt chẽ và rõ ràng. Ở đây có nhiều điểm bất cập khi tòa án là một trong những địa điểm tác nghiệp của nhà báo (không thuộc danh mục cấm). Pháp luật về tố tụng cũng quy định tòa xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự, theo dõi (trừ trường hợp xử kín). Theo Luật Báo chí: Khoản 1, Điều 8, Nghị định 51 nhấn mạnh nhà báo được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng... để thu thập thông tin làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Như vậy, việc TANDTC đặt ra quy định là không chỉ xuất trình thẻ nhà báo mà còn phải được sự đồng ý của chánh án hoặc thẩm phán chủ tọa phiên tòa là không phù hợp Luật Báo chí cũng như Nghị định 51.
Việc TANDTC đưa ra dự thảo Thông tư nội quy tòa án là việc làm cần thiết nhằm nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa báo chí và tòa án. Nhưng cũng không vì thế mà Thông tư lại thiếu tính chặt chẽ, thực tế, gây ra những khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của báo chí được quy định bởi Luật Báo chí. Trước những điều còn băn khoăn từ dự thảo này, rất cần các ý kiến nhằm giúp báo chí cũng như tòa án làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc thông tin tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp xã hội.
Thực tế, trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, chưa có quy định nào ngăn cản, hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên. Tham gia quản lý báo chí đã có các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản, lãnh đạo các cơ quan báo chí. Nếu báo chí sai ở đâu, cơ quan báo chí trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật và công luận. Do đó, các cơ quan chức năng khác như TANDTC cần tuân thủ những quy định pháp luật đã có. Nội quy của tòa cũng phải đảm bảo đúng pháp luật.
Như Phong