Sở Y tế Quảng Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế liên quan đến trường hợp cháu bé 3 tuổi tử vong ngày 7/7 tại BV Nhi Quảng Nam. Theo đó, hiện chưa phát hiện có sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ điều trị cho cháu bé.
Ông Nguyễn Văn Hai - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở đã tiến hành nghiên cứu hồ sơ bệnh án của cháu N.M.T. (thôn Tân Bình Trung, xã Tam Tiến, Núi Thành) để làm rõ những thắc mắc của người thân gia đình cháu bé.
“Sau khi nhận được chỉ đạo từ Bộ Y tế, Phòng Nghiệp vụ y tế của Sở đã độc lập vào cuộc kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ để làm rõ, xác minh vụ việc. Qua nghiên cứu bệnh án và phỏng vấn thân nhân những bệnh nhân khác, Sở chưa phát hiện có sự tắc trách của đội ngũ cán bộ y tế BV Nhi Quảng Nam, việc gia đình nói BV tắc trách là nhận định chủ quan khi quá bức xúc” - ông Nguyễn Văn Hai cho biết.
Báo cáo ghi nhận, quá trình tiếp đón và điều trị cho cháu T. kịp thời, chu đáo. Bệnh nhi đã được thăm khám ngay và cho y lệnh xử trí kịp thời, phù hợp chẩn đoán, diễn tiến của bệnh. Cán bộ y tế cũng đã kịp thời thông tin cho người thân về diễn tiến và nguy cơ tiên lượng xấu của bệnh. Mặc dù bệnh nhân đã được BV điều trị chu đáo, tổ chức hồi sức tích cực khi diễn biến xấu nhưng do bệnh diễn biến quá nhanh, bệnh nhi đã tử vong trong bệnh cảnh sốc nhiễm trùng, trụy hô hấp, tuần hoàn không hồi phục sau 17 giờ nhập viện.
Giải đáp những thắc mắc của gia đình vì sao con họ bị bệnh nhẹ lại tử vong, Sở Y tế cho rằng bệnh của cháu T. diễn tiến từ nhiễm trùng huyết đến sốc nhiễm trùng là bệnh cảnh rất nặng, không phải nhẹ. Việc sau 1-2 ngày BV mới trả lời các câu hỏi của người nhà là vì phải chờ kiểm thảo tử vong xong, có cơ sở thực tiễn rõ ràng, đầy đủ.
Đối với thắc mắc của gia đình vì sao khi chích mũi thuốc lúc 21 giờ, cháu bé sốt cao, người tím dần, người nhà gọi 3 lần nhưng điều dưỡng chỉ nói giặt khăn lau cho cháu, Sở Y tế trả lời cụ thể: Ngay khi chuyển về Khoa Hồi sức trung tâm lúc 20 giờ 35 phút với chẩn đoán suy hô hấp độ 1, cảnh giác nhiễm trùng huyết, BV đã đổi kháng sinh, dùng ceftriaxon và vancomycyin để điều trị nhiễm trùng nặng. Do nhiễm trùng huyết, bệnh diễn tiến xấu dần và tiến tới sốc nhiễm trùng. Dấu chứng sốt cao liên tục, người trẻ tím dần là biểu hiện của bệnh cảnh đang diễn biến xấu, không phải do tiêm thuốc hoặc do lau mát nhiều lần gây nên.
Về ý kiến khi cháu bé còn sống BV không quan tâm, chỉ chích tối đa 3 mũi thuốc, khi cháu bé mất rồi mới tích cực cấp cứu, báo cáo cũng đã giải thích: Khi chưa có trụy mạch, suy hô hấp, việc dùng thuốc và chăm sóc người bệnh thực hiện theo y lệnh, không thể dùng thuốc quá nhiều. Khi bệnh nhân sốc nhiễm trùng, hôn mê, kíp trực đã nỗ lực tối đa hồi sức tích cực với mọi phương tiện, khả năng với hy vọng khôi phục được tuần hoàn, hô hấp. Qua 60 phút không còn hy vọng gì mới ngưng hồi sức. Đây không phải là “quá nhiệt tình giả tạo lúc cháu đã đi rồi” để che đậy khuyết điểm trong chăm sóc người bệnh.