Trong số báo 67, báo SK&ĐS đã có bài “Lạm dụng thuốc bổ não trước kỳ thi - Dao hai lưỡi”. Ngay sau đó, chúng tôi đã có mặt tại một số khoa tâm thần, thần kinh ở các bệnh viện để ghi nhận những trường hợp này. Không ít trong số đó là những cô cậu cử vốn hoạt bát, thông minh lanh lợi là vậy bỗng trở nên vô hồn chỉ vì trước đây họ đã lạm dụng các loại thuốc bổ não, tăng cường trí nhớ.
Thuốc bổ uống... vô bổ!
Tại Khoa Tâm thần Bệnh viện Tâm thần TW, Vũ Liên H., sinh viên khoa tiếng Nhật, Đại học Hà Nội là một trong nhiều trường hợp đang điều trị ngoại trú. H. đến khám tại bệnh viện và được các bác sĩ kết luận mắc hội chứng tâm thần rối loạn tập trung do dùng thường xuyên và kéo dài thuốc ritalin. Theo H. thì trước khi dùng ritalin, cô chỉ dùng một số loại thuốc dưỡng não như: hoạt huyết dưỡng não, tuần hoàn não có nguồn gốc từ thảo dược. Sau do áp lực của việc học, thi cử nên cô đã tìm mua cả những loại thuốc dưỡng não như ginkovita, giloba... có giá vài trăm ngàn đồng/hộp để dùng nhưng cũng chỉ có tác dụng một thời gian. Qua lời bạn bè, H. tìm mua ritalin về dùng thấy có hiệu quả nên dùng thường xuyên và bây giờ thì lệ thuộc hoàn toàn vào nó. Trước mỗi buổi học nếu không uống vài viên thì không tập trung học được - H. cho biết.
Theo các bác sĩ đang điều trị cho những trường hợp như H. thì phải điều trị trong thời gian dài, liên tục. Kết hợp cả việc uống thuốc an thần lẫn các giải pháp trị liệu như bấm huyệt, các bài tập vận động...
Em Lê Văn T., 12 tuổi ở khu chung cư cao tầng Xa La ( Hà Đông - Hà Nội) lại rơi vào tình huống khác. Theo chị Phương, mẹ của T. thì học kì năm ngoái, để chuẩn bị cho con thi vào lớp 6 một trường điểm trên địa bàn, ngoài việc tăng cường cho con ăn uống chị cũng không quên mua vài loại thuốc có chức năng bổ não như lời mách của các đồng nghiệp trong cơ quan về cho con uống. Trước đây, con chị tính rất hiền, vui vẻ, chẳng hiểu sao từ khi cho uống những loại thuốc này cháu trở nên cáu bẳn thường xuyên, hay nổi nóng vô cớ, muốn gì đòi bằng được. Thấy lạ, chị cho con đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì mới biết cháu bị hội chứng tâm thần hoang tưởng thể nhẹ. Cũng phải nhập viện để điều trị theo phác đồ của các bác sĩ chuyên khoa.
![]() |
Cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Về vấn đề thuốc bổ não có tác dụng tăng cường trí nhớ, trí thông minh hay không, PGS.TS. Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội thần kinh học Hà Nội khẳng định: Không có bất kỳ loại thuốc nào có khả năng giúp tăng cường trí thông minh. Trí thông minh ở mỗi người tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố về di chuyền, môi trường xã hội và gia đình, quan trọng hơn, đó là sự hoạt động của chính cá nhân đó trong xã hội. Ông cũng nói lại một câu: "thiên tài chỉ có 1% là bẩm sinh còn 99% phải dựa vào sự khổ luyện học tập".
Khi phóng viên đưa hàng loạt các tên thuốc trong nhóm thuốc có chức năng bổ não, tăng cường trí nhớ và đặt câu hỏi về công dụng đối với người sử dụng như thế nào, ông cho biết: bất kỳ loại thuốc nào cũng được đánh giá trên hai phương diện công hiệu và độ an toàn. Những loại thuốc này công hiệu hay không thì chưa có bất kì tài liệu hay công trình nghiên cứu nào khẳng định và khi uống cũng không gây ra phản ứng phụ ngay. Riêng với thuốc nootropin được sử dụng trong giai đoạn cấp của đột quỵ não với liều cao trên 12g mới có tác dụng đến não (việc sử dụng liều lượng này phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và phải theo phác đồ chuẩn của quốc tế). Thực tế thuốc này ngoài thị trường thường có liều khoảng 400mg. Do đó, việc dùng loại thuốc này để mong bổ não hay tăng cường trí nhớ chỉ là điều hoang tưởng. Ông Thính cũng cho biết sẽ rất khó khăn trong điều trị cho những trường hợp bị ảnh hưởng đến thần kinh bởi lý do lạm dụng thuốc. Bệnh nhân phải được điều trị theo phác đồ quốc tế quy định và cũng rất mất thời gian để phục hồi lại tâm thần ban đầu.
Ông cũng khuyến cáo người dân không nên tuỳ ý mua hoặc uống những thuốc có liên quan tới thần kinh. Hãy đến với các bác sĩ chuyên khoa để có được sự tư vấn tốt nhất khi có những vấn đề về thần kinh hay suy giảm trí nhớ.
Nguyễn Hậu