Hà Nội

Thông tin sâu về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh

09-01-2015 09:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 7/1, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã có buổi gặp gỡ cơ quan báo chí thông tin chính thức về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

- Để bạn đọc hiểu biết về bệnh rối loạn sinh tủy mà ông Nguyễn Bá Thanh mắc phải, xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia huyết học ThS. Nguyễn Lan Phương - Phó Trưởng Khoa Bệnh máu tổng hợp 2, Viện Huyết học - Truyền máu TW.

- Thông tin từ Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, có 2 người Việt Nam sẵn sàng hiến tủy cho ông Nguyễn Bá Thanh.

Ngày 7/1, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã có buổi gặp gỡ cơ quan báo chí thông tin chính thức về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Gặp gỡ báo chí thông tin về sức khỏe ông Nguyễn Bá Thanh.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương khẳng định, đây không phải là cuộc họp báo mà chỉ là buổi thông tin đầy đủ về các vấn đề mà dư luận quan tâm những ngày qua; đảm bảo quyền được thông tin của người dân và cân đối với pháp luật hiện hành về quyền khám, chữa bệnh. Ông Nguyễn Quốc Triệu cũng cho biết, theo thông tin trao đổi với phía Mỹ, tính tới 7h28’ ngày 7/1, tại Mỹ, ông Nguyễn Bá Thanh vẫn chưa có lịch lên đường về nước.

TS.BS.Trần Huy Dụng, Phó trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đã thông báo ngắn gọn về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh. Tháng 5/2014, kết quả xét nghiệm máu của ông Nguyễn Bá Thanh có sự bất thường:  hồng cầu và tiểu cầu giảm. Do tận tâm với công việc, cuối tháng 5, ông Nguyễn Bá Thanh đồng ý thì mới tiến hành hội chẩn. Sau khi ông Nguyễn Bá Thanh nhập Bệnh viện 108, hội đồng giáo sư của Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ  Trung ương đã chẩn đoán, xác định ông Nguyễn Bá Thanh mắc hội chứng rối loạn sinh tủy. Bệnh nhân được đưa sang Singapore điều trị từ tháng 6 đến tháng 7/2014, sau đó về nước. Khoảng giữa tháng 8/2014, các chuyên gia y tế giới thiệu ông Nguyễn Bá Thanh sang Mỹ điều trị. Ông Nguyễn Bá Thanh đã được Đảng, Nhà nước đồng ý cho phép sang Mỹ để chữa bệnh. Tại Mỹ, ông Nguyễn Bá Thanh được truyền hóa chất 3 đợt nhằm cải thiện sức khỏe tiến tới ghép tủy. Tuy nhiên, cho đến nay, điều kiện sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh chưa đảm bảo để ghép tủy nên phải dừng lại. Theo nguyện vọng của gia đình, ông Nguyễn Bá Thanh sẽ về nước và tiếp tục điều trị nâng cao thể trạng tại Việt Nam.

TS.BS. Trần Huy Dụng thẳng thắn bác bỏ thông tin trên một số trang mạng xã hội gần đây, việc ông Nguyễn Bá Thanh bị đầu độc là hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ. Đồng thời khẳng định, những thông tin cụ thể hơn về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh sẽ được làm rõ khi ông về nước điều trị.

Phẫu thuật ghép tủy là phương pháp điều trị hiệu quả nhất với căn bệnh  rối loạn sinh tủy.

Theo kế hoạch, ông Nguyễn Bá Thanh sẽ về Việt Nam trong vài ngày tới, việc di chuyển từ Mỹ về Việt Nam do các giáo sư Mỹ đảm bảo. Tại Việt Nam, Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương sẽ phối hợp với ngành y tế Đà Nẵng và các giáo sư đầu ngành để chăm sóc cho ông Nguyễn Bá Thanh.

Theo ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương: Việc ông Nguyễn Bá Thanh về điều trị tại Đà Nẵng là do nguyện vọng của ông và gia đình, đã có báo cáo Đảng, Nhà nước.

Về vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, ông  Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo: Mong muốn các cơ quan báo chí thông tin một cách trung thực, đúng mực về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh đến đồng bào cả nước. Tránh những thông tin mang tính chất bất thường, không chính xác. Khi ông Nguyễn Bá Thanh về nước, các nhà báo, người dân cũng không nên kéo tới bệnh viện nơi ông Nguyễn Bá Thanh điều trị, vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của người bệnh và người thân trong gia đình. Khi là một bệnh nhân, ông Nguyễn Bá Thanh có quyền không tiếp và không trả lời các phóng viên báo chí. Với tình yêu mến ông Nguyễn Bá Thanh, mọi người hãy dành sự yên tĩnh cho ông dưỡng bệnh.

Về khả năng phẫu thuật ghép tủy cho ông Nguyễn Bá Thanh, thông tin từ Ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết thêm, có hai người Việt Nam sẵn sàng hiến tủy cho ông Nguyễn Bá Thanh.

Ngọc Thành - Văn Thân

 

Hội chứng rối loạn sinh tủy là gì?

Liên quan đến hội chứng rối loạn sinh tủy, để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh, diễn tiến của bệnh, cách điều trị cũng như tiên lượng về bệnh này, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã gặp và ghi lại ý kiến của ThS. Nguyễn Lan Phương - Phó Trưởng Khoa Bệnh máu tổng hợp 2, Viện Huyết học - Truyền máu TW.

Nguyên nhân gây bệnh

Về cơ bản, hiện nay, y văn thế giới chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh này nhưng có thể bệnh phát sinh do các yếu tố thuận lợi như: môi trường làm việc (người tiếp xúc nhiều với hóa chất: xăng dầu; thuốc trừ sâu…); môi trường sống…

Hội chứng rối loạn sinh tủy là một nhóm bệnh lý ác tính của các dòng tế bào tạo máu trong tủy xương, có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư bạch cầu cấp dòng tủy. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp rối loạn sinh tủy đều tiến triển thành ung thư.

Diễn tiến của bệnh và tiên lượng điều trị

Hiện nay, hội chứng rối loạn sinh tủy được chia thành nhiều thể bệnh. Theo cách chia của Tổ chức PAB (Pháp - Mỹ - Anh), hội chứng rối loạn sinh tủy nguyên phát được chia thành 4 thể: Thiếu máu dai dẳng (RA); Thiếu máu dai dẳng có tăng nguyên hồng cầu sắt vòng (RARS); Thiếu máu dai dẳng có tăng quá mức tế bào non (blast) ở máu và/hoặc tủy xương (RAEB 1 và 2). Những người mắc hội chứng này phụ thuộc vào tế bào bất thường của tủy xương mà diễn biến bệnh có thể từ từ hoặc nhanh. Tuy nhiên, thể RAEB 1 và 2 có nguy cơ cao gây ung thư máu cấp tính (do số lượng tế bào ác tính cao).

Việc điều trị bệnh này chia làm 2 đối tượng: Thứ nhất, với những đối tượng có thể ghép tủy (những đối tượng có nguy cơ cao và trong độ tuổi ghép tủy - từ 45 tuổi trở lại); thứ hai, với những người không trong độ tuổi ghép tủy (trên 45 tuổi, không đủ tiêu chuẩn ghép tủy và nhiều yếu tố khác như không đủ điều kiện sức khỏe; kinh tế và nguồn tế bào gốc phù hợp để ghép). Tùy theo từng thể trạng mắc bệnh của người bị hội chứng rối loạn sinh tủy như sức khỏe, nhóm bệnh, tổn thương di truyền, có đáp ứng với điều trị hay không mà sử dụng các chế phẩm máu, kháng sinh. Có thể hóa trị và ghép tế bào gốc để điều trị một số thể bệnh. Có những bệnh nhân mắc bệnh theo thể RA hoặc RARS - là những thể nhẹ thì điều trị thời gian ngắn hơn; còn những đối tượng mắc thể RAEB 1 và 2 thì điều trị kéo dài. Tùy theo thể bệnh và việc điều trị, bệnh kéo dài từ 2 - 6 hoặc 7 năm.

Nguyên nhân dẫn đến tử vong thường là chuyển thành bạch cầu cấp, nhiễm trùng nặng hay xuất huyết, nhiễm sắt và các biến chứng khác gặp trong quá trình điều trị.

Hiện nay, tại Viện Huyết học - Truyền máu TW đang áp dụng điều trị bệnh hội chứng rối loạn sinh tủy theo cách phân chia của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2008 vì Viện đã có đủ phương tiện, trang thiết bị và nhân lực để điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy là khá khó khăn bởi như đã nói, hiện nay, y văn thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh cụ thể, do đó chưa có thuốc điều trị cụ thể mà chủ yếu là điều trị triệu chứng, trong đó ghép tủy vẫn là cách điều trị tốt nhất.

Thái Bình (ghi)

 


Ý kiến của bạn