Ngày 5/2, thông tin từ lãnh đạo xã Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, chính quyền địa phương cùng gia đình nạn nhân vừa tổ chức hậu sự cho anh Quàng Văn Dương (SN 1983 Trưởng bản Pa Kín). Về phía anh Quàng Văn Hiển (SN 1991, Thôn đội trưởng bản Pa Kín, em trai anh Dương), hiện đã qua nguy kịch và đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.
Đoàn công tác của huyện Điện Biên cũng đã tổ chức thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Trước đó, vào rạng sáng 3/2, nhận được thông tin xảy ra vụ hoả hoạn tại nhà Vì Văn Tinh (SN 1979, bản Pa Kín), Công an xã Na Tông đã phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, tổ dân phòng phòng cháy chữa cháy đến hiện trường.
Trên đường di chuyển đến hiện trường, tổ công tác bất ngờ bị Vì Văn Tinh núp trong bụi cây nhảy ra tấn công. Lúc này, đối tượng dùng dao đâm nhiều người khiến ông Quàng Văn Dương tử vong còn ông Quàng Văn Hiển bị thương.
Các thành viên của tổ công tác ngay sau đó đã tiến hành khống chế đối tượng, thu giữ 2 dao nhọn và đưa nạn nhân bị đâm đi cấp cứu.
Trước đó vài ngày, do mâu thuẫn gia đình, vợ con Vì Văn Tinh đã đi khỏi nhà nên may mắn thoát chết.
Vào cuộc điều tra, công an xác định Vì Văn Tinh mắc bệnh tâm thần, đã điều trị từ năm 2016 và đang trong danh sách quản lý người có biểu hiện tâm thần của Công an xã Na Tông. Vì Văn Tinh có bệnh án tại Trạm Y tế xã, được cấp phát thuốc điều trị hàng ngày và nhận trợ cấp xã hội hàng tháng.
Nhiều vụ án mạng do người tâm thần gây ra
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên, hiện toàn tỉnh Điện Biên có 975 bệnh nhận tâm thần phân liệt đang được quản lý ngoài cộng đồng. Trong đó, chỉ có khoảng 30-40 bệnh nhân đang trực tiếp điều trị tại bệnh viện.
Một tháng trước khi xảy ra vụ án mạng nói trên, tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông và xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cũng đã xảy ra 2 vụ người tâm thần gây án khiến dư luận bàng hoàng.
Ông Lương Văn Sáng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên cho biết: "Bệnh tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính, khi phát bệnh, bệnh nhân thường mất kiểm soát hành vi trong thời gian rất nhanh, có khi chưa kịp xử lý thì đã xảy ra hậu quả".
Cũng theo ông sáng, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các y bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù có kinh nghiệm và chuyên môn nhưng nhiều khi các y bác sĩ cũng phải đối diện với những hành vi tấn công nguy hiểm của bệnh nhân.
"Đối với những bệnh nhân có khả năng thực hành vi nguy hiểm đã được cơ sở y tế khuyến cáo thì cần phải tránh những tình huống gây kích động. Bên cạnh đó phải thường xuyên giám sát, khi người bệnh có biểu hiện phát bệnh cần tìm sự trợ giúp để có biện pháp kiểm soát kịp thời", Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên khuyến cáo.