Hà Nội

Thông tin mới vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà: Phi vụ mua bán dầu thải của con gái Chủ tịch gốm sứ Thanh Hà

23-10-2019 07:29 | Pháp luật
google news

SKĐS - Liên quan đến vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước vào Nhà máy nước sạch sông Đà, Đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an vừa phối hợp với các lực lượng chức năng làm việc với Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà (tại Phú Thọ) - nơi cung cấp dầu thải cho các nghi can.

Thỏa thuận miệng với nhóm đối tượng đổ dầu thải

Theo nội dung biên bản và kết quả kiểm tra thực tế cũng như hồ sơ do công ty cung cấp, bước đầu Đoàn kiểm tra xác định, công ty quản lý chất thải nguy hại (dầu thải) không đúng quy định. Mặc dù, công ty có kho lưu giữ chất thải nguy hại riêng biệt, có dán biển cảnh báo theo quy định, tuy nhiên không đưa các téc dầu thải và các thùng dầu thải vào kho để quản lý mà lại lưu giữ tại kho vật tư của công ty, phục vụ việc tái sử dụng trong quá trình sản xuất gạch. Đoàn kiểm tra đã chụp hình, quay video ghi nhận lại hiện trường trong quá trình kiểm tra.

Một sai phạm khác của công ty đó là đã chuyển giao chất thải nguy hại (dầu thải) cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Cụ thể, Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà đã chuyển giao 8.830kg dầu thải cho Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám mang đi xử lý. Công ty cũng không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận chất thải nguy hại trước khi chuyển giao.

Kết quả kiểm tra cũng cho thấy, năm 2016, Công an tỉnh Phú Thọ đã từng có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà số tiền 160 triệu đồng. Năm 2018, kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng đã nêu ra những tồn tại của công ty này, như chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; lò sấy của công ty được chuyển đổi từ than sang cám chưa báo cáo với cấp có thẩm quyền.

Hồi tháng 9 vừa qua, Lý Đình Vũ (SN 1982, trú tại Đa Tiện, Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã liên lạc qua điện thoại với bà Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1988, trợ lý Giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, con gái Chủ tịch gốm sứ Thanh Hà) đề xuất việc tiếp nhận, xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được bà Trang đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, bà Trang sẽ phải trả cho Vũ số tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít. Đến sáng 7/10, Vũ gọi điện cho bà Trang để đến thu gom dầu thải thì bà Trang báo đi vắng và cho biết đã giao lại cho ông Trần Thành Trung (cán bộ Phòng Vật tư của công ty) để ông này chuyển giao dầu thải cho Vũ.

Khoảng 8h sáng cùng ngày, Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại thôn Đa Tiện, xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) điều khiển xe tải biển kiểm soát 99C-087.83 vào trong công ty để thu gom dầu. Đi cùng xe của Đại còn có Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại thôn Đèo Luông, xã Tri Lễ, huyện Văn Quang, tỉnh Lạng Sơn). Tại buổi làm việc với cơ quan công an, đại diện công ty là ông Trần Trung Thành (Phó Giám đốc) thừa nhận hành vi vi phạm trong quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại (là dầu thải) theo quy định. Công ty đã không ký hợp đồng, không thẩm định tư cách pháp nhân và chức năng của đơn vị tiếp nhận dầu thải trước khi chuyển giao.

Bể chứa dầu thải của Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà.

Bể chứa dầu thải của Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà.

An ninh nguồn nước chưa quản lý tốt

Liên quan vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay chưa quản lý được, nhất là nguồn nước mặt được sử dụng sản xuất nước sạch. Thực tế cho thấy, nguồn ô nhiễm từ hệ thống nước thải của các hộ gia đình, chất thải từ trâu bò, động vật có nhiều cơ hội xâm nhập hệ thống nước mặt nếu như không được kiểm soát tốt. “Cần có nhiều giải pháp mang tính chất đồng bộ, đúng quy trình thì mới hạn chế được những sự cố đáng tiếc như vừa qua. Nguồn nước thuộc phạm vi cung cấp nước sạch cho người dân thì phải có hàng rào che chắn, có khu vực quản lý, bảo vệ chặt chẽ” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp phép cung cấp nước sạch cho người dân phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm, đồng thời có giải pháp tích cực để đảm bảo tuyệt đối an toàn nguồn nước. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh cung cấp nước sạch phải xây dựng được hệ thống lọc nước đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ, nước thành phẩm đạt chuẩn chất lượng thì mới được cung cấp cho người dân. Từ vụ việc nguồn nước sông Đà bị ô nhiễm cho thấy trình độ nhận thức của các đối tượng có liên quan rất kém; việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người dân chưa được chu đáo, điều đó cũng cho thấy luật chưa thực sự đi vào cuộc sống. Sau khi vụ việc được phát hiện, cần phải xử lý các đối tượng này nghiêm khắc, đúng pháp luật. Qua vụ việc cũng cần phải xem xét, nếu luật pháp chưa nghiêm thì phải sửa đổi luật, làm sao xử lý nghiêm thì mới cảnh tỉnh, răn đe những đối tượng khác.

Cùng chung suy nghĩ, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý nguồn nước vẫn còn những bất cập trong thời gian qua. Từ vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình đặt ra câu hỏi đối với nguồn nước mặt trên cả nước, liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo khi ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân. Trong khi đó, việc xử lý vụ việc của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chậm trễ, gây bức xúc trong dư luận, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn