Hà Nội

Thông tin mới vụ bé gái 20 ngày tuổi tử vong bất thường ở Thanh Hóa

08-12-2017 13:44 | Pháp luật
google news

SKĐS - Liên quan đến cái chết của bé gái hơn 20 ngày tuổi ở thị xã Bỉm Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án,

khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi), ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình về tội giết người xảy ra ngày 25/11/2017 tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Xác định nguyên nhân tử vong của cháu bé

Cụ thể, Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội giết người đối với bà Phạm Thị Xuân. Đây chính là kết quả bước đầu có căn cứ để khởi tố bà về tội giết người. Tuy nhiên, quá trình điều tra sẽ làm rõ tính chất của vụ án, đặc biệt là làm rõ động cơ, mục đích gây án và những tình tiết khác liên quan đến kết luận tội danh của bà Xuân. Theo lời khai ban đầu của bà Xuân: Tối 25/11, bà Xuân vừa ngồi xem phim vừa bế cháu bé đang ngủ trên phản gỗ tại phòng khách của gia đình, còn chị Phạm Thị Thanh Huyền, mẹ cháu bé đang làm việc trong phòng ngủ; anh Lê Hữu Thuận, bố cháu bé đi đón con trai đầu đang đi học võ tại Trường tiểu học Ngọc Trạo thuộc phường Bắc Sơn (cách nhà khoảng 500m). Khi thấy cháu bé ọ ọe tỉnh giấc, bà Xuân đứng dậy, đi lại để đung đưa vừa ru cho cháu ngủ tiếp vừa đi ra phía cửa, nhưng đầu vẫn ngoảnh lại xem tivi. Do phòng khách và khu vực sân phía trước có độ cao thấp không đều nhau (nền nhà cao hơn nền sân 11cm) nên bà Xuân bị hẫng chân và ngã dúi người về phía trước ngay cửa chính ra vào phòng khách. Bị ngã bất ngờ khiến bà Xuân để tuột cháu bé khỏi tay và rơi mạnh xuống đất. Đồng thời, bà Xuân cũng ngã theo và đè lên người cháu. Lúc này, bà Xuân vội vàng ngồi dậy, bế cháu lên thì thấy cháu thoi thóp, sữa từ miệng trào ra ngoài. Cho rằng cháu sẽ không qua khỏi, nên bà Xuân nảy sinh ý định che giấu sự việc bằng cách lấy chăn đang cuốn người cháu trùm kín lên mặt cháu rồi bế ra ngoài bỏ vào túi nylon. Sau đó thực hiện các giai đoạn tiếp theo việc giấu xác cháu bé và dựng nên hiện trường giả về một vụ bắt cóc trẻ em.Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa lấy lời khai của bà Phạm Thị Xuân.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa lấy lời khai của bà Phạm Thị Xuân.

Nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) xác lập Chuyên án truy xét, đồng thời huy động lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra làm rõ vụ án. Đến ngày 28/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác định được nghi can liên quan trực tiếp đến cái chết của cháu bé chính là bà Phạm Thị Xuân. Bản thân bà Xuân cũng đã thừa nhận là thủ phạm đã gây ra cái chết của cháu nội và dựng lên câu chuyện cháu bé bị bắt cóc gây xôn xao dư luận để che giấu việc làm của mình và đánh lạc hướng điều tra của lực lượng công an.

Kết quả điều tra đã xác định nguyên nhân cái chết của cháu bé là: “Ngạt cơ học do cản trở đường hô hấp trên”. Theo Đại tá Khương Duy Oanh, thì đây chính là cơ sở rất quan trọng và là căn cứ để Cơ quan CSĐT khởi tố bà Xuân về tội giết người. Tuy nhiên, quá trình điều tra sẽ tiếp tục làm rõ tính chất của vụ án, làm rõ động cơ mục đích gây án và những tình tiết khác liên quan đến việc kết luận tội danh của bà Xuân. Hiện Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục tập trung điều tra để làm rõ vụ án trong thời gian ngắn nhất.

Đối tượng có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình

Liên quan đến quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Xuân về tội Giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, đối tượng thực hiện hành vi giết cháu bé hơn 20 ngày tuổi có thể đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Bởi theo Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, người nào giết người thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Giết người thuộc một trong các trường hợp: Giết nhiều người; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết trẻ em; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình... thì bị phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường vụ án.

Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường vụ án.

Cũng theo luật sư Lê Hồng Vân, khách thể tội giết người là xâm phạm trực tiếp vào quyền được sống của con người. Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác. Nó có thể được thực hiện dưới hình thức hành động (đánh đấm, bóp cổ, đâm, chém) hoặc không hành động như không cho trẻ ăn uống mặc dù có nghĩa vụ và điều kiện để thực hiện. Người phạm tội giết người đều có mục đích là tước đoạt tính mạng con người, song động cơ khá đa dạng. Điều đáng nói là, trong vụ việc cháu bé ở Thanh Hóa nghi bị bà nội sát hại, nạn nhân mới hơn 20 ngày tuổi. Trong khi đó, khung tăng nặng được quy định tại Khoản 1 Điều 93 BLHS có mức phạt tù từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với các trường hợp giết trẻ em (theo Luật Trẻ em, trẻ em là người chưa đủ 16 tuổi). “Như vậy nếu có đủ căn cứ chứng minh cháu bé bị giết hại thì đối tượng thực hiện hành vi có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng là “giết trẻ em” và đối diện với mức án cao nhất là tử hình” - luật sư Lê Hồng Vân bày tỏ quan điểm.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn