Chiếc máy bay mất tích của Hãng hàng không AirAsia có thể đã nằm dưới đáy biển, theo người đứng đầu cơ quan cứu hộ của Indonesia. Chuyến bay QZ8501 của AirAsia Indonesia, chi nhánh của AirAsia đặt trụ sở ở Malaysia đã mất tích cùng với 162 hành khách và phi hành đoàn vào sáng ngày 28/12.
Phi công đã yêu cầu đổi hướng vì thời tiết xấu nhưng không gửi tín hiệu khẩn cấp trước khi máy bay không còn trên màn hình radar. Vào lúc này, công tác tìm kiếm vẫn đang tiếp diễn một ngày sau khi máy bay biến mất cùng với 162 hành khách và phi hành đoàn nhưng vẫn chưa phát hiện dấu vết gì. “Dựa trên tọa độ mà chúng tôi có được và những đánh giá rằng vị trí máy bay rơi có thể ngoài biển, giả thiết của chúng tôi là máy bay hiện nằm dưới đáy biển”, ông Bambang Soelistyo nói trong một cuộc họp báo ở Jakarta. Về diễn biến tìm kiếm, ông Hadi Tjahnanto - Phát ngôn viên không quân Indonesia cho biết, họ đang tập trung vào khu vực nơi phát hiện một vệt dầu loang nhưng không rõ đó có phải là từ chiếc máy bay hay không. Trong khi đó, một quan chức Indonesia cho biết một máy bay tìm kiếm của Australia đã nhìn thấy các vật thể trên biển gần đảo Nangka. Tuy nhiên, không rõ những vật thể này có phải là của chiếc máy bay mất tích hay không. Ông Soelistyo cho biết, Indonesia đang triển khai 12 tàu, 3 máy bay trực thăng và 5 phi cơ quân sự. Ngoài ra, Malaysia, Singapore và Australia cũng tham gia tìm kiếm. Hãy cùng các chuyên gia mổ xẻ vụ việc đau lòng trên.
Thời tiết xấu
Các nhân viên kiểm soát không lưu đã mất tiếp xúc với chiếc phi cơ khoảng một giờ sau khi máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya, miền Đông đảo Java vào lúc 5 giờ 35 phút, giờ địa phương, tức 22 giờ 35 phút giờ quốc tế. Trước lúc biến mất, tổ lái đã yêu cầu được phép chuyển lộ trình bay để vượt lên vùng bị giông tố. Theo ông Gerry Sojatman, nhà tư vấn cho Công ty Whitesky Aviation: “Hiện tại còn quá sớm để biết được liệu có phải “yếu tố chủ yếu” của sự biến mất hay “chỉ là một yếu tố tác động”. Trên cơ sở các thông tin chúng tôi có được, các phi công đã chuyển lộ trình sang phía phải của đường bay dự kiến và yêu cầu cho phép tăng độ cao... Họ đã nhận được bật đèn xanh để chuyển sang trái, nhưng cũng có một số chỉ báo cho thấy chiếc phi cơ đã tăng độ cao khi chưa được phép. Các phi công có thể đã quyết định cứu máy bay hơn là đợi được phép”.
Ông Anthony Brickhouse - thành viên của Tổ chức quốc tế của những nhà điều tra về an toàn hàng không cho rằng, việc các phi công “điều chỉnh đường bay đã quy định” không phải là chuyện “hiếm xảy ra”. Ông cho biết thêm, “các máy bay đường dài thường có xu hướng tránh các cơn giông tố chừng nào có thể được để chuyến bay diễn ra thuận lợi”.
Tốc độ bay
Một số chuyên gia cho rằng, theo các dữ kiện radar đầu tiên, chiếc máy bay đã bay quá chậm. Blogger David Cenciotti viết trên trang theavionist.com: “Chúng tôi ghi nhận trong trường hợp này một sự tương đồng với một tai nạn nổi tiếng khác của chuyến bay AF447 của Air France”. Nhà tư vấn Gerry Soejatman giải thích: “Nếu máy bay chuyển động với vận tốc thấp hơn lúc cất cánh, nó sẽ rớt”. Chuyến bay AF447 của Air France mất tích tháng 6/2009 trên tuyến đường Rio de Janeiro - Paris. Theo chuyên gia David Cenciotti, tốc độ thấp của chiếc máy bay có thể được giải thích bởi áp lực của gió.
Mất dữ liệu vì AirAsia không tham gia ACARS
Các máy bay đều được trang bị phương tiện báo nguy hiểm hay chuyển các thông tin về vị trí gặp nạn (ELT - Emergency Locator Transmitter), cho phép tìm được một phi cơ trong trường hợp tai nạn, nhưng hiện tại các phương tiện đều không hoạt động. Chuyên gia Soejatman tiết lộ: Hãng AirAsia “không tham gia” vào hệ thống ACARS (Aircraft Communication Addressing and Reporting System) cho phép trao đổi các thông tin giữa máy bay đang bay và trung tâm điều hành của một công ty, cho dù máy bay A320-200 được trang bị các phương tiện cho phép làm được điều này.
(Theo AFP, Reuters)
Quỳnh Diệp
Ngày 30/12, nhà chức trách Indonesia thông báo đã tìm thấy trên vùng biển Java những mảnh vỡ của chiếc máy bay AirAsia. Tổng Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm cứu hộ của Indonesia Bambang Soelistyo thông báo, vào lúc 12 giờ 50 phút, giờ địa phương, một phi cơ của không quân Indonesia đã phát hiện một “bóng” có thể là của chiếc máy bay gặp nạn nằm chìm dưới đáy biển. Sau đó, vào lúc 13 giờ 25 phút, giờ địa phương, các đội tìm kiếm cũng đã nhìn thấy một vật trôi trên mặt nước, dường như là thi thể một hành khách. Ðài truyền hình Indonesia chiếu cận cảnh một xác người nổi trên nước. Về phần mình, Tổng Giám đốc Cục Hàng không dân dụng Indonesia Djoko Murjatmodjo xác nhận đã tìm thấy các mảnh vỡ của máy bay trong vùng tìm kiếm.
Hải quân Indonesia cho biết đã vớt được hơn 40 thi thể ở khu vực có các mảnh vỡ của máy bay AirAsia QZ8501.