Thông tin mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và 4; nêu tên hàng loạt tỉnh tiêm thấp

29-06-2022 09:32 | Y tế

SKĐS - Thông tin từ Chương trình tiêm chủng quốc gia ngày 29/6 cho biết, đến hôm qua cả nước đã tiêm gần 49 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mũi 3; Bên cạnh một số tỉnh đạt tỷ lệ tiêm cao, còn một số địa phương tỷ lệ tiêm thấp, mũi 3 dưới 45%; mũi 4 dưới 2%...

Thống kê về kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1- mũi 3 của Chương trình tiêm chủng quốc gia cho biết, đến hết ngày 28/6, cả nước đã tiêm được 44.867.465 mũi tiêm (tương đương tỷ lệ 66,8%).

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm cao trên 90% là: Ninh Bình (90,9%); Thanh Hóa (93,3%); Bắc Giang (95,3%), Bến Tre (91,8%);

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp, dưới 45% là: Khánh Hòa (41,8%); Bình Thuận (34,7%); Sóc Trăng (38,3%); Cà Mau (37,7%); Hậu Giang 35,1%), Đồng Nai (43,4%);

Thông tin mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 và 4; nêu tên hàng loạt tỉnh tiêm thấp - Ảnh 1.

Thông tin từ Chương trình tiêm chủng quốc gia ngày 29/6 cho biết đến hôm qua cả nước đã tiêm gần 49 triệu triệu liều vaccine phòng COVID-19 mũi 3; Bên cạnh một số tỉnh đạt tỷ lệ tiêm cao, còn một số địa phương tỷ lệ tiêm thấp, mũi 3 dưới 45%; mũi 4 dưới 2%... Ảnh: Trần Minh

Về kết quả tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), đến hết ngày 28/6, cả nước mới chỉ tiêm được 3.831.205 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 5,7%)

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm cao gồm: Bắc Giang (23,1%); Quảng Ninh (20,9%); Hậu Giang (15,6%).

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp gồm: Phú Thọ (1,1%); Hải Dương (1,6%); Bắc Kạn (0,3%); Nghệ An (1,2%); Quảng Nam (0,9%); Bến Tre (1,7%);

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 ở nước ta, tại cuộc gặp mặt báo chí thông tin về công tác y tế, PGS. TS Dương Thị Hồng- Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam là một trong những nước đi đầu và đạt kết quả rất cao về tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các mũi cơ bản.

Trong thời gian qua, ngành y tế đã cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đến nay có 230 triệu mũi tiêm đã được thực hiện và công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng vẫn được đảm bảo duy trì.

Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, số lượng cung ứng vaccine chỉ đáp ứng đủ tiêm nhắc lại cho người dân đủ và không có hiện tượng dư thừa. Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch phân bổ cho các tỉnh theo đúng số đối tượng tiêm nhắc lại.

"Tuy nhiên trong tình trạng người dân chưa hiểu biết đầy đủ, chưa tích cực tham gia nên nhiều điểm tiêm chủng mở lọ vaccine ra nhưng người dân không đến tiêm chủng theo kế hoạch. Nhiều đơn vị mang giấy mời đến tận nhà nhưng người dân từ chối tiêm chủng"- PGS.TS Dương Thị Hồng nói.

Hiện kho lưu trữ còn 15 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Nếu chúng ta không sử dụng hiệu quả vaccine sẵn có sẽ gây lãng phí, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 gia tăng trở lại trong bối cảnh biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19.

Theo các chuyên gia dịch tễ, tiêm chủng cho biết, nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Chuyên gia của chương trình tiêm chủng mở rộng cũng thông tin về khả năng tái nhiễm ở những người đã từng mắc COVID-19 và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới.

Theo đó, người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Sáng 29/6: Ca COVID-19 tăng, F0 nặng tăng theo; "Béo vùng cổ gáy", người phụ nữ mắc bệnh hiếm gặpSáng 29/6: Ca COVID-19 tăng, F0 nặng tăng theo; 'Béo vùng cổ gáy', người phụ nữ mắc bệnh hiếm gặp

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế số ca COVID-19 mới tăng lên, số F0 nặng cũng gia tăng, trong bối cảnh biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19; 'Béo vùng cổ gáy', người phụ nữ bất ngờ mắc bệnh hiếm gặp.

Thái Bình
Ý kiến của bạn