Ngày 15/6, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nói về kết quả điều tra, xử lý ngộ độc nghi do độc tố Clostridium Botulinum tại thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế thành phố Thủ Đức cho biết trường hợp ngộ độc đầu tiên xảy ra ngày 13/5.
Bốn người ở phường Long Thạnh Mỹ mua một cây chả giò ăn với bánh mỳ, hôm sau có triệu chứng ngộ độc.
Trường hợp thứ hai ăn bún mắm nấu ở gia đình, trong 4 người ăn thì 1 người ngộ độc và tử vong.
Trường hợp thứ ba là hai thanh niên làm nghề vá xe dọc quốc lộ, mua giò chả ăn với bánh mỳ, đến ngày hôm sau thì cả hai người cùng bị ngộ độc, phải nhập viện.
Các lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế, ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng vào cuộc xác minh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đều âm tính và lực lượng chức năng không tìm được mối liên quan giữa các vụ ngộ độc thực phẩm này, trước mắt chỉ có thể nhận định nguồn gốc thức ăn không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân dẫn đến 3 vụ ngộ độc Botulinum.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thành phố Thủ Đức cũng đã điều tra, xác minh và đình chỉ hoạt động 2 cơ sở sản xuất giò chả liên quan tại phường Trường Thọ. Hai cơ sở này không có biển hiệu, chủ cơ sở mua thịt từ các khu chợ nhỏ lẻ về làm giò chả.
Trước mắt, các cơ sở này sẽ bị xử phạt về hành vi không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; niêm phong bốn tủ thực phẩm của hai cơ sở này, lấy mẫu đi xét nghiệm để truy xuất nguồn thực phẩm.
Về việc liên đới đến các vụ ngộ độc, Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đang chờ kết quả của cơ quan cảnh sát điều tra để có biện pháp xử lý cuối cùng.
Về hướng xử lý tiếp theo, ông Nguyễn Văn Khuôn thông tin Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức chỉ đạo tiếp tục theo sát diễn biến sức khỏe của các trường hợp người dân bị ngộ độc còn nằm viện.
Đối với 2 cơ sở sản xuất chả lụa tại phường Trường Thọ, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức chỉ đạo Công an thành phố tiếp tục điều tra theo nghiệp vụ chuyên môn và phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm thành phố Thủ Đức tham mưu xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức cũng tăng cường các bài phát thanh tuyên truyền về tác hại của độc tố Clostridium Botulinum; tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho người dân, các mối nguy hại khi sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trôi nổi trên thị trường.