Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Chỉ cần gõ từ khóa "mua data khách hàng" trên thanh tìm kiếm của Facebook là hàng loạt các nhóm kín hay công khai mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân, khách hàng hiện ra. Các hội nhóm này có tới hàng nghìn, chục nghìn thành viên tham gia. Hoạt động mua bán dữ liệu cá nhân nhộn nhịp với các bài đăng thường xuyên trong nhóm.
Dữ liệu thông tin cá nhân, khách hàng bị các đối tượng rao bán trong nhóm rất đa dạng và sẵn sàng đáp ứng khi người mua có nhu cầu. Chẳng hạn dữ liệu liên quan đến: gửi tiết kiệm ngân hàng; tham gia bảo hiểm nhân thọ; có sử dụng ô tô; đầu tư bất động sản; chủ doanh nghiệp; nhân viên văn phòng; sử dụng thời trang cao cấp, sử dụng dịch vụ spa…
Trong vai một người có nhu cầu mua dữ liệu khách hàng đầu tư bất động sản ở Hà Nội, liên hệ tới số điện thoại 0934919XXX để lại ở một bài viết trong hội nhóm mua bán data khách hàng tiềm năng, phóng viên được người này tư vấn: "Bên em có đủ dữ liệu các loại khách hàng. Giá rẻ gần như không chỗ nào có. Nếu anh lấy, mỗi data là 20 đồng. Mỗi data anh sẽ có tên khách hàng, số điện thoại, địa chỉ, gmail… Anh thích dùng gì thì dùng. Em có hàng chục triệu data các loại, còn bất động sản em có sẵn 1 triệu data ở đây".
Thậm chí, trên các hội nhóm này còn ngang nhiên rao bán hàng trăm, hàng nghìn bộ thẻ căn cước công dân gắn chip 2 mặt, kèm hình ảnh chân dung của chủ thẻ.
Chia sẻ thực trạng này, anh Ngô Minh Hiếu, một chuyên gia an ninh mạng của tổ chức Chống Lừa Đảo cho biết, việc thông tin cá nhân bị rao bán trên các trang mạng xã hội như Facebook, Telegram… tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nghiêm trọng như:
- Lừa đảo tài chính. Thông tin cá nhân có thể được sử dụng để lừa đảo tài chính, như mở tài khoản ngân hàng giả, vay tiền hoặc mua hàng trực tuyến dưới danh nghĩa của nạn nhân.
- Chiếm đoạt danh tính: Kẻ xấu có thể sử dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt danh tính, từ đó thực hiện các hành vi gian lận hoặc phạm tội dưới tên của nạn nhân.
- Đe dọa an toàn cá nhân: Thông tin nhạy cảm như địa chỉ nhà, số điện thoại có thể được sử dụng để đe dọa, quấy rối hoặc thậm chí tấn công trực tiếp vào nạn nhân.
- Mạo danh trực tuyến: Tạo các tài khoản mạng xã hội hoặc email giả mạo để lừa đảo, phát tán thông tin sai lệch hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác.
- Ảnh hưởng đến uy tín và công việc: Thông tin cá nhân có thể bị sử dụng để phát tán những tin đồn, thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến danh tiếng và công việc của nạn nhân.
Nâng cao chế tài xử phạt, tăng cường phát hiện và xử lý vi phạm
Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Công Thương đã có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, Bộ đề xuất tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
Trong đó có nội dung đề xuất phạt từ 30-50 triệu đồng đối với những vi phạm như không có biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin theo quy định.
Ngoài ra, mức phạt từ 20-30 triệu đồng áp dụng cho những hành vi gồm không lập văn bản để thực hiện ủy quyền hoặc thuê bên thứ ba thực hiện việc thu thập, lưu trữ, sử dụng, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ thông tin của người tiêu dùng…
Theo TS.LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, trước hành vi vi phạm diễn biến phức tạp, mức chế tài trước đây không đủ sức răn đe. Việc sửa đổi các quy định để tăng mức chế tài, bổ sung các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thương mại có chế tài hành chính là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó hoàn thiện các quy định và chế tài liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, bí mật khách hàng, bí mật kinh doanh.
Văn bản này cùng với các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực của đời sống xã hội là cơ sở pháp lý quan trọng để áp dụng chế tài hành chính, làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự nếu còn vi phạm, và đảm bảo tính răn đe mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến đời sống riêng tư, quyền riêng tư cá nhân, của người tiêu dùng.
"Ngoài việc áp dụng chế tài để xử lý thì cũng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa khác như tăng cường giáo dục pháp luật, để nâng cao trình độ nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của công dân, tăng cường công tác quản lý dữ liệu cá nhân, quản lý thông tin khách hàng, nâng cao vai trò trách nhiệm của các đơn vị trung gian, các đơn vị viễn thông cũng như các doanh nghiệp trong việc thu thập quản lý phải sử dụng thông tin khách hàng, thông tin cá nhân. Tăng cường trang thiết bị, lực lượng cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trên không gian mạng", TS.LS Cường nêu quan điểm.