Thông tin “bị liệt sau tiêm thuốc” ở BV tỉnh Hà Giang: Giám đốc Sở Y tế nói gì?

07-07-2017 07:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 6/7/2017, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, BS. Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, đã nhận được báo cáo sơ bộ của BVĐK tỉnh Hà Giang về trường hợp chị Hồ Thị Thảo ở huyện Vị Xuyên đến bệnh viện tiêm thuốc nhưng phản ánh là bị liệt.

Sáng 6/7/2017, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, BS. Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, đã nhận được báo cáo sơ bộ của BVĐK tỉnh Hà Giang về trường hợp chị Hồ Thị Thảo ở huyện Vị Xuyên đến bệnh viện tiêm thuốc nhưng phản ánh là bị liệt. Đến nay, Sở Y tế đã gửi văn bản xin ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành của BV Bạch Mai. Tới đây, Sở Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét kỹ về trường hợp này, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông tin đến báo chí.

Thuốc tiêm không có tác dụng phụ gây liệt

Theo báo cáo của BVĐK tỉnh Hà Giang, bệnh nhân Thảo được người nhà chuyển tuyến từ Trạm Y tế xã Đạo Đức, Vị Xuyên ngày 23/6 với chẩn đoán đau thần kinh cánh tay, thoái hóa cột sống cổ, bệnh nhân có tiền sử thoái hóa cột sống cổ đã điều trị từ năm 2016.

Trong quá trình nằm điều trị tại bệnh viện, người bệnh được làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản, gồm: xét nghiệm huyết học; xét nghiệm sinh hóa; xét nghiệm nước tiểu; chụp Xquang ngực thẳng; Xquang cột sống thắt lưng thẳng nghiêng; Xquang cột sống cổ thẳng nghiêng; chụp cộng hưởng từ (MRI); tổ chức 2 lần hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị.

Thông tin “bị liệt sau tiêm thuốc” ở Bệnh viện Vị Xuyên, tỉnh Hà GiangBệnh nhân Thảo đang điều trị tại BV Bạch Mai.

BS. Vũ Hoàng Vương, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hà Giang cho biết, sau khi làm các chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau nefopam 20mg x 1 ống tiêm bắp sâu (hoạt chất nefopam hydroclorid  được chỉ định trong giảm đau cấp tính và mạn tính; đau do nguồn gốc thần kinh, đau đầu, đau cơ và các chứng co thắt...) và các thuốc hỗ trợ, sinh tố, giảm tiết... (thuốc không có tác dụng phụ gây liệt).

Sáng 6/7/2017, theo tin của báo SK&ĐS, BV Bạch Mai đã hội chẩn toàn bệnh viện về ca bệnh được chuyển tuyến từ Hà Giang. Bước đầu chẩn đoán bệnh nhân mắc rối loạn thần kinh chức năng, chưa loại trừ guilain Barre cần thêm chọc xét nghiệm dịch não tủy...

Sau tiêm 10 phút, bệnh nhân tỉnh, kêu chóng mặt, tê nhiều hai chi dưới, khám cảm giác nông sâu chi còn tốt. Không có hiện tượng khó thở, không liệt cơ tròn. Sau đó, bệnh nhân được truyền dịch, chống viêm, băng niêm mạc dạ dày. Tinh thần tỉnh, tiếp xúc tốt, người bệnh kêu tê bì 1/2 người phải, giảm vận động hai chân, cảm giác nông sâu còn tốt, không liệt cơ tròn. Những ngày sau, bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi, hội chẩn lãnh đạo bệnh viện và được chuyển Khoa Hồi sức tích cực và chống độc theo dõi, điều trị tiếp.

Tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh nhân được xử trí: theo dõi sát diễn biến, truyền dịch, giảm tiết. Chỉ định chọc dịch não tủy để chẩn đoán nguyên nhân bệnh nhưng gia đình không đồng ý. Nguyện vọng gia đình xin chuyển viện tuyến trên điều trị tiếp. Chẩn đoán khi chuyển viện: theo dõi hội chứng Guillain bare/thoát vị cột sống thắt lưng. Tình trạng lúc chuyển viện: bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, không có hiện tượng khó thở, tiểu tiện tự chủ. Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở ổn định. Mất vận động 2 chi dưới, cảm giác nông sâu còn tốt.

Trong quá trình điều trị tại BV Bạch Mai, lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Giang thường xuyên liên hệ trực tiếp với các bác sĩ Khoa Thần kinh - Nhiễm khuẩn, BV Bạch Mai để xác minh nguyên nhân bệnh nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân bệnh lý.

Cần bình tĩnh đợi ý kiến từ các chuyên gia y tế

Theo các bác sĩ điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Giang, chị Thảo bị giảm vận động hai chân, tê bì hai chân trước khi đến viện hơn một tuần, đã từng điều trị ở Trạm Y tế xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Cũng liên quan đến vụ việc này, BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai chia sẻ, dây thần kinh có thể bị tổn thương do tiêm. Tổn thương này có thể do kim tiêm hoặc do các thuốc được tiêm vào cơ và đây là lý do tại sao thuốc quinine (loại thuốc được dùng để phòng và trị sốt rét) không còn được chỉ định tiêm vào mông.

Tiêm mông thường được tiến hành ở khu vực hoặc cung phần tư ở phía trên và phía ngoài của mông để tránh dây thần kinh hông (sciatic nerve), mỗi bên mông chỉ có một dây thần kinh hông đi qua chi phối (vận động và cảm giác) cho mỗi chi. Khi tiêm không đúng trong cung phần tư này, dây thần kinh hông có thể bị tổn thương khiến chân cùng bên bị vỗ xuống đất khi đi bộ (rơi chân/foot drop) hoặc xấu nhất là yếu chân cùng bên.

Ở những người bị sụt quá nhiều cân (người già, ung thư, nằm liệt giường kéo dài), ngay cả khi tiêm bắp đúng cách vẫn có thể gây tổn thương dây thần kinh bởi khối cơ đã teo đi quá nhiều khiến cho kim chọc sâu hơn mức thông thường.

Thực tế cho thấy sau mũi tiêm mông, bệnh nhân có rối loạn vận động hoặc cảm giác ở chân cùng bên, thậm chí là yếu chân cùng bên thì khả năng tổn thương thần kinh hông là có. Tuy nhiên, bệnh nhân lại có biểu hiện dấu hiệu thần kinh khu trú ở nửa người dưới từ trước khi tiêm mông. Hơn nữa, sau khi tiêm mông, dấu hiệu thần kinh khu trú bắt đầu biểu hiện rõ rệt hơn ở cả hai chân/nửa người dưới một cách rất trùng hợp... Rất khó để kết luận ngay rằng chỉ sau một mũi tiêm mông mà bệnh nhân có thể xuất hiện liệt nửa người dưới.

Tai biến y khoa là việc không ai dự liệu trước, luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ khó đoán định. Việc cần nhất lúc này là cần bình tĩnh, đợi ý kiến từ các nhà chuyên môn đánh giá toàn bộ sự việc. Sai ở đâu xử lý nghiêm minh. Không nên võ đoán, suy luận vô căn cứ.

Trước đó, ngày 4/7/2017, Bộ Y tế đã có Văn bản số 899/KCB-QLCL đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang chỉ đạo BVĐK tỉnh khẩn trương xác minh thông tin báo chí đã nêu, phối hợp với BV Bạch Mai xác định nguyên nhân gây liệt nửa người của chị Hồ Thị Thảo...


Nguyễn Tuệ
Ý kiến của bạn