Hà Nội

Thông thảo: lợi sữa, chống phù nề

SKĐS - Thông thảo là phần lõi trắng giữa thân cây Thông thảo [Tetrapanax papyriferus (Hook) K Koch., họ Ngũ gia bì (Araliaceae)].

Thông thảo là phần lõi trắng giữa thân cây Thông thảo [Tetrapanax papyriferus (Hook) K Koch., họ Ngũ gia bì (Araliaceae)]. Thông thảo chứa protein; chất béo; chất xơ; pentosan; uronid. Khi thủy phân cho glucose, xylose, D-galacturonic, galactose,... Tác dụng chống viêm nề, lợi sữa. Theo Đông y, thông thảo vị ngọt nhạt, tính hàn; vào kinh phế và vị. Có tác dụng tả phế lợi thủy, lợi sữa. Dùng trị các chứng lâm, thấp ôn, viêm đường tiết niệu, phù nề, phụ nữ sau đẻ thiếu sữa. Liều dùng, cách dùng: 4-16g dưới dạng sắc, nấu, hầm.

Thông thảo được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Hành khí, thông sữa, trị tắc và thiếu sữa sau khi đẻ:

Thông thảo 8g, vảy tê tê 8g, chân giò lợn 1 đôi, xuyên khung 6g, cam thảo 4g. Cho tất cả vào nồi hầm nhừ; ăn chân giò và nước hầm.

Dùng ngoài: Lấy nước luộc hành rửa bầu vú, rửa nhiều lần.

Lợi niệu thông lâm, trị các chứng bệnh thấp nhiệt, thủy thũng, đái dắt

Bài 1 - Thang thông thảo: thông thảo, cù mạch, thiên hoa phấn, liên kiều mỗi vị 12g; bạch chỉ, sài hồ, thanh bì, xích thược, cát cánh mỗi vị 8g, cam thảo 4g, Sắc uống. Trị tiểu tiện nhỏ giọt.

Bài 2 - Thuốc thông sa: thông thảo, hạnh nhân, màng mề gà, hạt củ cải mỗi vị 12g; hậu phác, mộc thông, trần bì mỗi vị 8g, hải kim sa 16g. Sắc uống. Trị cổ trướng (bụng trướng to), bí tiểu tiện.

Bài 3: thông thảo, cù mạch, liên kiều mỗi vị 12g; mộc thông 8g, cam thảo 4g. Sắc uống. Trị nhiễm khuẩn niệu đạo.

Bài 4: thông thảo 8g, đại phúc bì 12g, phục linh bì 16g. Sắc uống. Trị viêm thận cấp, thủy thũng, tiểu tiện ít.

Một số món ăn thuốc có thông thảo:

Chân giò hầm thông thảo: chân lợn đen 1 đôi, thông thảo 4g, có thể thêm 2-4g nhân sâm. Chân lợn làm sạch chặt nhỏ, hầm với thông thảo, nhân sâm. Ăn trong ngày. Dùng cho sản phụ sau đẻ ít sữa.

Nước hồ lô căn thông thảo trần bì: thông thảo 6g, sinh lô căn 30g, trần bì 2g, gạo tẻ 60g. Tất cả nấu thành cháo loãng cho uống. Dùng cho các trường hợp nôn thổ, nôn khan sau khi bị bệnh đường ruột, thương hàn.

Kiêng kỵ: Người không bị thấp nhiệt hoặc đi tiểu nhiều, dùng phải thận trọng. Phụ nữ có thai cấm dùng.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn