Thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi): Bỏ cọc khi đấu giá kho số viễn thông sẽ bị phạt thế nào?

24-11-2023 11:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 24/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 468 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trước khi các ĐBQH tham gia biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Về dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, ông Lê Quang Huy cho biết, nội dung này được UBTVQH báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp ngày 25/10. Dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet cung cấp các tính năng tương đương với dịch vụ viễn thông cơ bản (tin nhắn, thoại, hội nghị truyền hình), cung cấp tính năng chính là gửi, truyền, nhận thông tin giữa hai hoặc một nhóm người sử dụng dịch vụ viễn thông trên Internet.

Thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi): Bỏ cọc khi đấu giá kho số viễn thông sẽ bị phạt thế nào?- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Viễn thông (sửa đổi).

Về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (Điều 31), có ý kiến đề nghị không quy định đối tượng được miễn, giảm đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để đảm bảo công bằng và minh bạch giữa các doanh nghiệp viễn thông. UBTVQH đề nghị được giữ quy định về quản lý hoạt động viễn thông công ích như Điều 32 dự thảo Luật; đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể việc miễn, giảm đóng góp vào Quỹ để phù hợp với tình hình thực tế (khoản 2 Điều 32).

Về tài nguyên viễn thông (Chương VI), có ý kiến đề nghị những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị, giảm thiểu trường hợp bỏ cọc khi đấu giá và giao Bộ TT&TT quy định chi tiết. Đề nghị giải trình các biện pháp để kiểm soát việc bỏ tiền đặt cọc tham gia đấu giá kho số viễn thông, UBTVQH đề nghị được giữ quy định về đấu giá kho số viễn thông như trong dự thảo luật. Lý do là việc đánh giá để phân nhóm theo giá trị các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt là khó khả thi vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan niệm của người sử dụng, vùng, miền.

Thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi): Bỏ cọc khi đấu giá kho số viễn thông sẽ bị phạt thế nào?- Ảnh 2.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Việc người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc là một vấn đề đang xảy ra trong việc đấu giá các loại tài sản đấu giá hiện nay như đất đai, biển số xe ô tô... Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định người trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (điểm b khoản 2 Điều 48); trường hợp bỏ tiền đặt cọc là vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và thực hiện theo pháp luật về dân sự.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định mức giá khởi điểm phù hợp khi tham gia đấu giá để hạn chế rào cản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia đấu giá. Tuy nhiên, quy định này cũng dẫn đến những rủi ro nhất định như tình trạng bỏ tiền đặt cọc.

Về vấn đề này, theo UBTVQH: Điều 40 Luật Đấu giá tài sản quy định 02 phương thức đấu giá là phương thức trả giá lên và đặt giá xuống. Các loại mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" thuộc loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật Đấu giá tài sản và được quy định cụ thể tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 50 dự thảo Luật.

Thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi): Bỏ cọc khi đấu giá kho số viễn thông sẽ bị phạt thế nào?- Ảnh 3.

Có 94,74% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Theo quy định tại Điều 55 và khoản 2 Điều 58 Luật Đấu giá tài sản, kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" thuộc loại tài sản phải thực hiện theo phương thức trả giá lên.

Do đó, nghiên cứu tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 6 Điều 50 dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định phương thức, hình thức đấu giá kho số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam ".vn" được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để thống nhất với Điều 58 Luật Đấu giá tài sản về phương thức trả giá lên.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74 %). Như vậy, với đa số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi).

Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Đề xuất tham khảo đấu giá SIM như biển số ô tô, giá khởi điểm cao nhất 200 triệu đồngĐề xuất tham khảo đấu giá SIM như biển số ô tô, giá khởi điểm cao nhất 200 triệu đồng

SKĐS - Chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là việc đấu giá thuê bao viễn thông.



Lê Bảo
Ý kiến của bạn