Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế với tỉ lệ cao

14-06-2014 08:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Chiều 13-6, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT).

Chiều 13-6, Quốc hội bỏ phiếu thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT). Đã có tổng 428 đại biểu tham gia bỏ phiếu trong đó có 412 đại biểu tán thành chiếm 82,73%; 13 đại biểu không tán thành chiến tỷ lệ 2,61%. Liền ngay sau đó, Quốc hội Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó đa số đại biểu đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ.

Trước đó đồng chí Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.Theo đó, nhiều điểm trong dự thảo luật BHYT đã được thay đổi theo chiều hướng tạo thuận lợi và khuyến khích, thu hút người dân tham gia BHYT.Luật BHYT vẫn tiếp tục đảm bảo tính chất xã hội của BHYT, đó là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện với sự tham gia của người dân và định hướng tiến tới BHYT toàn dân, đây là quan điểm đã được thống nhất trong quá trình xây dựng và ban hành Luật BHYT.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Trong thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, đa số đại biểu cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm nên tiến hành hai lần trong một nhiệm kỳ. Các đại biểu Trương Minh Hoàng( Cà Mau), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Danh Út (Kiên Giang), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)…cùng đưa ra ý kiến: việc lấy phiếu tín nhiệm một lần ở giữa kỳ như dự thảo sửa đổi là chưa đủ, nên được tổ chức hai lần. Các đại biểu phân tích: Lần một vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ, nếu các đồng chí có phiếu tín nhiệm thấp sẽ có thời gian, cơ hội để rèn luyện, thay đổi. Lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ tư của nhiệm kỳ để người được lấy phiếu tín nhiệm nhìn nhận lại bản thân và cơ quan tổ chức cán bộ làm cơ sở chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ mới.

Đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ hop 6, Quốc hội 13

Đại biểu QH bỏ phiếu tín nhiệm trong kỳ hop 6, Quốc hội 13

Về ba mức tín nhiệm như hiện nay (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) là quá an toàn đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu đề nghị để hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp hoặc nếu để ba mức thì nên để ở hình thức là; Tiếp tục chức trách được giao; Bố chí công tác khác và mức Nên từ chức. CŨng liên quan đến nội dung thảo luận này, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền( Lâm Đồng)đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ và tất cả các đại biểu Quốc hội phải thể hiện ý chí của mình. “Tôi nghĩ thăm dò tín nhiệm không sợ gì cả, mục đích thăm dò là để góp ý, xây dựng. Ví dụ một số đồng chí lần trước tín nhiệm thấp, tôi tin chắc rằng nếu bỏ phiếu lần này các đồng chí sẽ tín nhiệm rất cao, vì trình độ của đại biểu Quốc hội đâu phải thấp, họ nhìn nhận rất rõ những đồng chí có chuyển biến. Theo tôi chỉ nên ghi 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, anh nào nhiều phiếu là tín nhiệm cao, ít phiếu là tín nhiệm thấp, không cần phải ghi trong đó”

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng đã phân tích về các mặt được, mặt hạn chế của quy định về các mức tín nhiệm, về việc mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và hệ quả của việc sau khi lấy phiếu tín nhiệm.

Văn Hậu- Anh Tuấn


Ý kiến của bạn