Hà Nội

Thống nhất tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT

09-10-2015 10:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ thống nhất tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Chính phủ thống nhất tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Chính phủ giao Bộ Y tế và Bộ Tài chính khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT thống nhất giữa các bệnh viện cùng hạng, được áp dụng cho cả cơ sở khám, chữa bệnh không gọi là bệnh viện hoặc là bệnh viện nhưng chưa được phân hạng để thực hiện vào cuối năm 2015 theo lộ trình linh hoạt...

Giá dịch vụ y tế mới tính một phần chi phí trực tiếp

Theo Nghị quyết của Chính phủ, ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp số thu tiền lương theo mức đã kết cấu trong giá dịch vụ không đủ chi tiền lương theo chế độ. Nghị quyết cũng khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh công tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên và đầu tư được Quỹ BHYT thanh toán theo mức giá tính đầy đủ chi phí.

Thống nhất tính tiền lương, phụ cấp đặc thù vào giá dịch vụ  khám, chữa bệnh BHYT

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ảnh: TM

Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính đẩy mạnh tuyên truyền việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế thanh toán BHYT gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và chính sách hỗ trợ của Nhà nước với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng biển, đảo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cận nghèo, người có thu nhập trung bình tham gia BHYT.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế tính đúng, tính đủ phải bao gồm 7 yếu tố chi phí gồm: chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; chi phí điện, nước, xử lý chất thải; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; chi phí tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; chi phí khấu hao nhà cửa; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Giá dịch vụ y tế hiện nay mới tính một phần chi phí trực tiếp (3/7 yếu tố trực tiếp) do đó mỗi đơn vị thuộc bộ, ngành và mỗi địa phương có một bảng giá khác nhau nên giá thanh toán của BHYT đối với các bệnh viện cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, kỹ thuật...) khác nhau gây bất bình đẳng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT...

Thúc đẩy chất lượng khám chữa bệnh

Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá viện phí, trước đó, Bộ Y tế đã lấy ý kiến các cơ sở y tế về việc đưa tiền lương vào giá khám bệnh, giá giường nằm, giá dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa, đồng thời dự thảo thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình. Theo đó, giá giường bệnh sẽ tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/ngày, chi phí phẫu thuật, thủ thuật tăng thêm 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca. Mức giá khám bệnh sau khi đã tính chi phí trực tiếp và tiền lương: bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 40.000 đồng/lượt, hạng II: 39.000 đồng/lượt, hạng III: 34.000 đồng/lượt và hạng IV: 31.000 đồng/lượt. Hiện nay, mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng bệnh viện này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng. Các dịch vụ y tế chuyên khoa sau khi tính thêm tiền lương sẽ tăng khoảng 700.000 - 1 triệu đồng/ca phẫu thuật loại đặc biệt (tùy chuyên khoa) và 400.000 - 600.000 đồng/ca phẫu thuật loại I...

Về vấn đề điều chỉnh giá viện phí, nhiều chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, với lộ trình thực hiện điều chỉnh viện phí như hiện nay, điều quan trọng là phải bảo đảm tăng độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải chi trả thêm. “Nhiều dịch vụ do trước đây mức thu thấp, bệnh viện không có kinh phí để triển khai, nay được điều chỉnh mức thu nên sẽ triển khai, bệnh nhân BHYT sẽ được hưởng bởi chi phí hầu hết do bảo hiểm xã hội thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT” - ông Liên giải thích.

Còn theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp (tức là chưa được tính đúng, tính đủ), do đó, trên thực tế, các chi phí như lương của nhân viên y tế chưa được chi trả. Thực tế này đã ảnh hưởng đến sự tâm huyết và mức độ cống hiến của nhân viên y tế, không đủ chi phí để tái đầu tư sức lao động, bệnh viện không đủ kinh phí để bổ sung biên chế phù hợp với định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế. Do vậy, việc điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ hơn hiện nay chắc chắn có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn