Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất đánh giá nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 được thực hiện trong bối cảnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, mới hơn, phức tạp hơn.
Tuy nhiên, năm 2022 kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 27,76% dự toán, tăng 14,12% so với năm 2021; chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm. GDP tăng 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4.110 USD; cả 3 khu vực đều phục hồi, phát triển tốt…
Bước sang năm 2023, năm có ý nghĩa quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Chính phủ thống nhất phương châm điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cuơng, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả".
Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt và tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời, quyết liệt kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Chính phủ giao VPCP tổng hợp kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị, gửi các bộ, cơ quan liên quan xử lý theo quy định; yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý kiến nghị của địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với VPCP và các bộ, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ và ý kiến đại biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Chính phủ cũng cơ bản thống nhất với những nội dung chủ yếu của Báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, thực chất các giải pháp, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế; thực hiện nghiêm yêu cầu báo cáo định kỳ tình hình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Chính phủ cũng cơ bản thống nhất với những nội dung chủ yếu của Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP trong năm 2022; Chính phủ cơ bản thống nhất với những kết quả chủ yếu của công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2023.
Chính phủ cũng cơ bản thống nhất đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2022; những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.