Hà Nội

Thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

24-06-2024 20:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, do yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024. Theo đó, tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với 3 dự án Luật, 3 đề nghị xây dựng luật: Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ nhất trí thông qua: 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, đồng thời, điều chỉnh tên gọi của dự án Luật từ "Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe" thành "Luật Phòng bệnh" và 4 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xây dựng luật, Bộ Y tế cần dựa trên kết quả rà soát các bất cập, hạn chế trong quản lý nhà nước để thiết kế các quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để tăng tính thuyết phục khi thông qua chính sách, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện khi luật được ban hành; tiếp thu tối đa ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý Hồ sơ Đề nghị xây dựng luật, bảo đảm các yêu cầu.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác phòng bệnh

Về Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh, Chính phủ thống nhất, tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, đánh giá kỹ để làm rõ các chính sách trong Đề nghị xây dựng luật; chủ động bố trí nguồn lực về tài chính, chuyên gia để soạn thảo luật, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng của dự án luật khi trình thông qua, đồng thời, tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Cần thiết kế các quy định để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác phòng bệnh theo hướng: lấy chính quyền cấp cơ sở (xã, phường) làm hạt nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời của công tác phòng, chống dịch bệnh; nhân dân vừa là trọng tâm để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, vừa là chủ thể trong công tác phòng bệnh; cần xác định cho được mục tiêu hướng tới cần đạt được trong việc phát triển thể lực người Việt.

Thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cần thiết kế các quy định trong luật để đảm bảo chủ động về nguồn lực cho công tác phòng bệnh, theo đó: từ kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch COVID-19, thống nhất với đề xuất cần có quỹ Phòng bệnh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định của luật hiện hành về Quỹ phòng bệnh, nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ sự đóng góp của nhân dân cũng như từ nguồn từ ngân sách nhà nước hằng năm bổ sung cho Quỹ này để chủ động tổ chức triển khai các hoạt động phòng bệnh.

Do yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí người dân

Về dề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ thống nhất, đây là chính sách lớn có tác động đến xã hội, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên quá trình soạn thảo cần đánh giá thực tiễn, có sự tham gia của các bên nhằm khắc phục những tồn tại, hướng tới mục tiêu cao nhất nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Luật cần thể chế hóa Nghị quyết 42 của Trung ương về mở rộng, nâng cao chất lượng BHYT toàn dân, đa dạng các gói dịch vụ BHYT nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm chi phí người dân chi trả trực tiếp cho dịch vụ y tế.

Cần có chính sách để bảo đảm tính bền vững của Quỹ, nhất là sử dụng hiệu quả Quỹ khi có kết dư; luật cần quy định cho người dân tham gia BHYT được khám kiểm tra sức khỏe nhằm phát hiện bệnh từ sớm, từ xa với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; về vấn đề dự toán chi, Chính phủ ủng hộ phương án do Bộ Y tế trình.

Có cơ chế để thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, kiểm soát thanh toán BHYT thông qua phác đồ điều trị chuẩn để đảm bảo công khai, minh bạch; tăng chi cho y tế cơ sở. Cần có một chương về chuyển đổi số, kết nối dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh và BHYT.

Chính phủ xem xét, cho ý kiến đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tếChính phủ xem xét, cho ý kiến đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế

SKĐS - Sáng 13/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 để thảo luận nhiều nội dung quan trọng.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn