Hà Nội

Thông liên nhĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

30-09-2024 10:11 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thông liên nhĩ là khiếm khuyết tạo ra lỗ thủng giữa 2 phần của tim, xảy ra khi tim của em bé không hình thành bình thường trong bụng mẹ. Nguyên nhân gây ra tật thông liên nhĩ ở hầu hết trẻ sơ sinh vẫn chưa được biết rõ...

1. Tổng quan về thông liên nhĩ

Thông liên nhĩ là gì?

  • Thông liên nhĩ là khiếm khuyết tạo ra lỗ thủng giữa 2 phần của tim. Tim bình thường được chia thành 4 phần, còn được gọi là "buồng".
  • Trẻ em mắc bệnh thông liên nhĩ có lỗ thủng giữa 2 buồng phía trên được gọi là "tâm nhĩ". Lỗ thủng này làm thay đổi dòng máu chảy qua tim, điều này có thể khiến tim phải làm việc nhiều hơn mức bình thường.
  • Đây là bệnh tim bẩm sinh (trẻ sinh ra đã mắc bệnh này). Trẻ có thể chỉ mắc thông liên nhĩ hoặc cũng có thể mắc các bệnh tim khác kèm theo.

Phân loại thông liên nhĩ dựa vào phôi thai học và được chia thành 4 loại:

  • Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất (lỗ nguyên phát): Có thể xảy ra đơn độc nhưng thông thường xảy ra trong bệnh cảnh tim bẩm sinh phức tạp (kênh nhĩ thất), vị trí nằm thấp, sát van nhĩ thất.
  • Thông liên nhĩ lỗ thứ hai (lỗ thứ phát): Thường gặp nhất, chiếm đến 70% các trường hợp, có thể xảy ra đơn độc và vị trí nằm ở trung tâm của vách liên nhĩ. Lỗ thông liên nhĩ thứ phát thường có kích thước từ 10-30mm.
  • Thông liên nhĩ xoang tĩnh mạch: Tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới.
  • Thông liên nhĩ xoang vành: Do mất trần xoang vành, trường hợp này cũng hiếm gặp.

2. Nguyên nhân mắc bệnh thông liên nhĩ

Nguy cơ mắc thông liên nhĩ:

  • Bệnh thông liên nhĩ xảy ra khi tim của em bé không hình thành bình thường trong bụng mẹ. Nguyên nhân gây ra tật thông liên nhĩ ở hầu hết trẻ sơ sinh vẫn chưa được biết rõ, có thể do những biến đổi trong gen hoặc nhiễm sắc thể.
  • Sự kết hợp yếu tố về gen và các yếu tố nguy cơ khác (môi trường, các loại thức ăn, thuốc mà mẹ sử dụng,..) có thể làm tăng nguy cơ mắc thông liên nhĩ.

Yếu tố khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ em bé sinh ra mắc dị tật:

  • Nhiễm trùng rubella: Bị nhiễm rubella trong vài tháng đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật tim thai.
  • Sử dụng ma túy, thuốc lá, uống rượu hoặc tiếp xúc với một số chất kích thích như cocaine, trong khi mang thai có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
  • Bệnh đái tháo đường hoặc lupus: Mắc đái tháo đường hoặc lupus có thể làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật tim.

3. Triệu chứng bệnh thông liên nhĩ

Các triệu chứng của bệnh thông liên nhĩ gồm:

  • Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc thông liên nhĩ không có triệu chứng, trừ khi lỗ thông liên nhĩ rất lớn. Trong những trường hợp này, thường được phát hiện bằng nghe tim hay khám sức khỏe định kỳ.
  • Nếu thông liên nhĩ lỗ lớn, ở trẻ sơ sinh, những triệu chứng có thể bao gồm thở nhanh, chán ăn, dễ bị viêm phổi, và chậm tăng cân. Ở trẻ lớn hơn, các triệu chứng có thể gặp như khó thở, dễ mệt mỏi và không phát triển tốt.
  • Nếu thông liên nhĩ lỗ lớn hoặc vừa không được phát hiện và điều trị, có thể gây ra các triệu chứng khi trưởng thành, thường là ở độ tuổi 40. Những triệu chứng này có thể bao gồm nhịp tim bất thường, cảm giác mệt mỏi, khó thở, xanh xao.
Thông liên nhĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc thông liên nhĩ không có triệu chứng, trừ khi lỗ thông liên nhĩ rất lớn.

4. Bệnh thông liên nhĩ có lây không?

Bệnh thông liên nhĩ không lây nhiễm.

5. Chẩn đoán bệnh thông liên nhĩ

Khi nghi ngờ, trẻ có thể được kiểm tra bằng các cận lâm sàng, xét nghiệm:

  • Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim và cho thấy các bất thường trên điện tim do thông liên nhĩ gây ra.
  • Chụp X-quang tim phổi: Có thể cho thấy kích thước tim hoặc những thay đổi trong phổi của con bạn do tăng lưu lượng máu lên phổi.
  • Siêu âm tim: Đây được xem là phương pháp chính trong chẩn đoán dị tật thông liên nhĩ, bệnh nhân nhỏ tuổi thường sử dụng phương pháp siêu âm qua thành ngực còn đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có thành ngực dày, phương pháp siêu âm tim qua thực quản có thể được chỉ định để xác định chẩn đoán và định hướng phương pháp điều trị.

6. Cách điều trị bệnh thông liên nhĩ

Căn cứ vào từng trường hợp để quyết định phương pháp điều trị phụ thuộc:

  • Lứa tuổi.
  • Phát triển thể chất.
  • Tiền sử dùng thuốc.
  • Độ rộng của lỗ thông, vị trí lỗ thông, độ giãn của tim phải, áp lực mạch máu phổi.
  • Đáp ứng của bệnh nhân với các thuốc và phương pháp điều trị.
  • Kỳ vọng của bác sỹ về việc lỗ thông tiến triển tốt, thu nhỏ lại.
  • Sự lựa chọn của gia đình.
  • Nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị thông liên nhĩ lỗ nhỏ, bác sĩ có thể đợi xem lỗ có tự đóng lại không. Nếu lỗ thông tự đóng, trẻ không cần đóng lỗ thông. Thông liên nhĩ lỗ nhỏ thường tự đóng lại khi trẻ được 2 đến 5 tuổi.

Điều trị thuốc:

  • Nhiều trẻ có lỗ thông liên nhĩ nhỏ, không có triệu chứng thì không cần dùng thuốc.
  • Những trẻ có tăng lưu lượng máu sang tim phải gây giãn tim phải hoặc tăng áp lực động mạch phổi sẽ được chỉ định dùng thuốc lợi tiểu (tăng thải nước tiểu) để giảm lượng máu cho tim phải.
  • Điều trị nội khoa có tính chất hỗ trợ, điều trị triệu chứng, biến chứng, nâng cao tổng trạng chờ đóng lỗ thông bằng dụng cụ hay phẫu thuật

Điều trị can thiệp/phẫu thuật:

  • Đóng bằng dụng cụ: Đối với thủ thuật này, bác sĩ sẽ đặt một ống mỏng vào mạch máu ở cánh tay hoặc chân. Sau đó, họ di chuyển ống qua mạch máu đến tim. Khi đầu ống được đưa đến lỗ thông ở tim, bác sĩ sẽ sử dụng ống để đưa vào một thiết bị nhỏ đóng lỗ thông.
  • Phẫu thuật vá lỗ thông: Những lỗ thông lớn không thuận lợi cho việc can thiệp bít dù sẽ được chỉ định phẫu thuật. Ngay cả khi lỗ thông liên nhĩ đã được sửa chữa, một số trẻ (trẻ lớn hay trưởng thành) vẫn có thể cần tiếp tục điều trị.
Thông liên nhĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị bệnh thông liên nhĩ.

7. Cách phòng bệnh thông liên nhĩ

Một số vấn đề quan trọng phòng bệnh thông liên nhĩ:

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại và các loại thuốc đang dùng: Ví dụ như kiểm soát chặt chẽ bệnh đái tháo đường, bệnh lupus và các tình trạng sức khỏe khác trong thời kỳ mang thai. Bác sĩ có thể thay đổi liều lượng một số loại thuốc hoặc ngừng sử dụng trước khi mang thai.
  • Khảo sát tiền sử bệnh lý gia đình: Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc các tình trạng di truyền khác, bác sĩ sẽ tư vấn nguy cơ di truyền cho bạn.
  • Đã từng mắc bệnh sởi Đức (bệnh rubella) hay chưa: Bệnh rubella ở người mang thai có liên quan đến một số loại khuyết tật tim bẩm sinh. Nếu chưa từng mắc bệnh hoặc chưa tiêm vaccine cần nên được tiêm vaccine chủng ngừa.
  • Trước và trong thời kỳ mang thai người mẹ không nên sử dụng chất kích thích, hút thuốc, uống rượu bia, giữ tinh thần thoải mái và tránh bị trầm cảm. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, sắt, vitamin và khoáng chất để thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Chữa trị thông liên nhĩChữa trị thông liên nhĩ

SKĐS - Chị gái tôi vừa đi khám bệnh được bác sĩ phát hiện bị thông liên nhĩ.


ThS.BSNT Lê Văn Duy
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn