Thông liên nhĩ: Nguy cơ thấp nếu phát hiện và xử trí sớm

17-02-2019 07:13 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thông liên nhĩ là bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm 10% các bệnh tim bẩm sinh nói chung và 20-40% các bệnh tim bẩm sinh ở người lớn. Nếu được phát hiện và xử trí sớm, phần lớn trường hợp thông liên nhĩ sẽ lành tính và không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thông liên nhĩ là một bệnh lý tim bẩm sinh với một lỗ thủng giữa hai buồng tâm nhĩ. Nếu lỗ thông liên nhĩ nhỏ, lỗ này có thể đóng lại trong thời gian sau sinh hoặc trong năm đầu tiên của trẻ và có thể không gây vấn đề gì đến cuối cuộc đời. Với lỗ thông lớn hoặc thông liên nhĩ kéo dài có thể làm tổn thương tim và phổi của người bệnh.

Phát hiện thông liên nhĩ như thế nào?

Đa phần thông liên nhĩ thường không gây triệu chứng gì trên đứa trẻ. Triệu chứng thường chỉ bắt đầu khi người bệnh trên 30 tuổi, một số triệu chứng sẽ xuất hiện muộn hơn nữa. Với trẻ nhỏ, dấu hiệu thường thấy là trẻ sẽ hay bị viêm phổi. Qua thăm khám với trẻ nhỏ, đa phần phát hiện do nghe thấy tiếng thổi trong tim. Người lớn bị thông liên nhĩ thường được phát hiện qua các triệu chứng như khó thở, tim đập nhanh, đột quỵ và tiếng thổi ở tim. Siêu âm tim có giá trị phát hiện chẩn đoán đúng hầu hết các trường hợp thông liên nhĩ. Một số trường hợp có thể chẩn đoán dựa trên thông tim thăm dò huyết động. Thông tim cũng hay được chỉ định cho những bệnh nhân thông liên nhĩ mà có áp lực động mạch phổi tăng cao. Một số kỹ thuật chẩn đoán khác như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính có thể sử dụng nhưng hiếm khi phải dùng cho chẩn đoán thông liên nhĩ.

Các kiểu lỗ thông liên nhĩ và hướng điều trị

Có 4 loại thông liên nhĩ gặp trên lâm sàng. Tùy thuộc loại lỗ thông sẽ có hướng xử trí khác nhau. Thông liên nhĩ lỗ thứ nhất chiếm khoảng 15-20% các loại thông liên nhĩ. Lỗ thông liên nhĩ lỗ thứ nhất thường nằm ở vùng thấp của vách liên nhĩ, chiếm khoảng 75% các trường hợp thông liên nhĩ là thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ hai. Lỗ thông này nằm ở giữa của vách liên nhĩ. Kiểu lỗ thông này có thể điều trị khỏi hoàn toàn với bít bằng dù qua thông tim. Các loại thông liên nhĩ khác thường đòi hỏi phẫu thuật vá lỗ thông. Thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch hiếm gặp hơn, chiếm khoảng 5-10%. Lỗ thông này hay nằm ở phần trên cao của vách liên nhĩ. Dạng hiếm gặp nhất là thông liên nhĩ thể xoang vành với lỗ thông nằm giữa vách liên nhĩ và xoang vành.

Thông liên nhĩMột ca phẫu thuật bít thông liên nhĩ qua da.

Biến chứng thông liên nhĩ

Nếu lỗ thông nhỏ thường sẽ không gây ra biến chứng gì nguy hiểm. Một số lỗ thông nhỏ sẽ tự bít lại khi trẻ 1-4 tuổi. Nếu lỗ thông lớn có thể gây nguy hiểm tính mạng với các biến chứng như suy tim phải, rối loạn nhịp hoặc tai biến mạch não. Nhưng biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh lý này nếu không điều trị là tăng áp động mạch phổi do tăng dòng máu lên phổi trong thông liên nhĩ và gây áp lực liên tục lên các mao mạch phổi (tăng áp động mạch phổi). Nếu không được điều trị sớm, tăng áp động mạch phổi có thể dẫn tới hội chứng Eisenmanger (gây ra tình trạng tăng áp động mạch phổi vĩnh viễn).

Khi nào phải dự phòng ở bệnh nhân thông liên nhĩ?

Hầu hết các ca thông liên nhĩ đều không phải có dự phòng gì đặc biệt ngoại trừ khi người bệnh có thai. Nếu có thai, người bệnh nên đi khám trước sinh và có thể cần làm một số việc sau:

Thử test miễn dịch Rubella: Nếu test này âm tính, thai phụ nên hỏi bác sĩ về tiêm phòng.

Thai phụ nên theo dõi một cách cẩn thận trong thời kỳ có thai. Bác sĩ có thể khuyến cáo việc ngừng hoặc điều chỉnh các thuốc mà thai phụ đang dùng.

Xem lại bệnh sử gia đình thai phụ có ai bị bệnh này không, nếu có nên theo dõi siêu âm thai nhi. Một số trường hợp có thể phải kiểm tra về rối loạn gene, tuy nhiên, ở nước ta, phương pháp chẩn đoán qua gene chưa phổ biến.

Làm gì để thông liên nhĩ không còn nguy hiểm?

Nếu chúng ta phát hiện thông liên nhĩ khi trẻ còn nhỏ, nên cho trẻ đến khám và theo dõi thường xuyên tại các phòng khám chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ cân nhắc khi nào nên được điều trị. Với những bệnh nhân là trẻ lớn hoặc người lớn mắc lỗ thông liên nhĩ, có thể cân nhắc lựa chọn 1 trong 2 phương pháp là thông tim bít lỗ thông liên nhĩ hoặc phẫu thuật mổ vá lỗ thông.

Phẫu thuật thường được tiến hành ở bệnh nhân thông liên nhĩ lỗ thứ nhất, thông liên nhĩ thể xoang tĩnh mạch hoặc thông liên nhĩ thể xoang vành. Một số trường hợp thông liên nhĩ lỗ thứ hai mà kích thước lỗ quá lớn hoặc bít bằng thông tim thất bại có thể cần phải phẫu thuật vá lỗ thông. Phẫu thuật thường được tiến hành qua gây mê và chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Các bác sĩ sẽ dùng một miếng patch để đóng lỗ thông lại.

Bít lỗ thông liên nhĩ qua da hiện nay hay được sử dụng để điều trị bệnh nhân thông liên nhĩ lỗ thứ hai. Phương pháp này được tiến hành qua đường tĩnh mạch. Bệnh nhân được chọc tĩnh mạch đùi phải rồi đưa một dù bít lỗ thông lại. Cấu tạo của dù này thường có hai cánh và dựa trên kích thước lỗ thông, người bệnh sẽ được bít với một dù thích hợp. Nếu không có gì đặc biệt, bệnh nhân sẽ được ra viện ngay ngày hôm sau.


TS.BS. Phạm Như Hùng
Ý kiến của bạn