- 1. Thống kinh là gì?
- 2. Biểu hiện lâm sàng của thống kinh
- 2.1. Thống kinh nguyên phát
- 2.2. Thống kinh thứ phát
- 3. Nguyên nhân gây nên tình trạng thống kinh
- 3.1. Thống kinh nguyên phát
- 3.2. Thống kinh thứ phát
- 4. Bệnh thống kinh có nguy hiểm không?
- 5. Làm thế nào để xác định bệnh nhân bị thống kinh
- 6. Phương pháp điều trị bệnh thống kinh
- 6.1. Nguyên tắc điều trị
- 6.2. Điều trị thống kinh nguyên phát
- 6.3. Điều trị thống kinh thứ phát
1. Thống kinh là gì?
Thống kinh là tình trạng đau bụng xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt, thường do các cơn co thắt tử cung nhằm tống máu kinh ra ngoài.
Thống kinh được chia thành hai loại:
- Thống kinh nguyên phát: Đau bụng kinh xuất hiện ở các chu kỳ kinh nguyệt có rụng trứng, song không phát hiện nguyên nhân thực thể nào khi thăm khám.
- Thống kinh thứ phát: Đau bụng kinh có liên quan đến các bất thường hoặc bệnh lý thực thể tại cơ quan sinh dục như bệnh lý tử cung, buồng trứng, hoặc các nguyên nhân khác.

Thống kinh là tình trạng đau bụng xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt, thường do các cơn co thắt tử cung nhằm tống máu kinh ra ngoài.
2. Biểu hiện lâm sàng của thống kinh
2.1. Thống kinh nguyên phát
- Đau bụng dưới theo từng cơn, kiểu co rút, đau có thể lan ra sau lưng hoặc xuống mặt trong đùi.
- Đau thường xuất hiện vài giờ trước hoặc ngay khi bắt đầu có kinh, kéo dài từ 1-3 ngày.
- Có thể kèm theo triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, cảm giác mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu.
2.2. Thống kinh thứ phát
- Triệu chứng đau bụng kinh thường xuất hiện muộn hơn, sau nhiều năm hành kinh không đau hoặc đau ít.
- Cơn đau có thể khởi phát trước kỳ kinh 1 tuần, kéo dài trong suốt kỳ kinh hoặc xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ.
- Triệu chứng đau thường dữ dội và kéo dài hơn so với thống kinh nguyên phát.
- Có thể kèm theo các biểu hiện khác như kinh nguyệt bất thường (rong kinh, cường kinh), khí hư bất thường, đau khi giao hợp.
3. Nguyên nhân gây nên tình trạng thống kinh
3.1. Thống kinh nguyên phát
- Nguyên nhân chủ yếu do tăng sản xuất prostaglandin từ nội mạc tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt, làm tăng co thắt cơ trơn tử cung, gây thiếu máu cục bộ và đau.
- Yếu tố tâm lý, căng thẳng trong các chu kỳ kinh đầu tiên của tuổi dậy thì cũng góp phần gây đau bụng kinh.
3.2. Thống kinh thứ phát

Thống kinh thứ phát có thể do tác nhân là các bệnh lý cơ quan sinh dục nữ như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, dính buồng tử cung...
- Liên quan đến các bệnh lý cơ quan sinh dục nữ như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, dính buồng tử cung, u nang buồng trứng, vòng tránh thai đặt sai vị trí...
- Thống kinh thứ phát thường gặp ở phụ nữ từng có nhiều chu kỳ kinh bình thường trước đó.
4. Bệnh thống kinh có nguy hiểm không?
Phần lớn trường hợp thống kinh nguyên phát không nguy hiểm và triệu chứng thường giảm dần theo thời gian. Nếu triệu chứng nặng hoặc dai dẳng hoặc xuất hiện sau nhiều chu kỳ kinh bình thường, cần đi khám để phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn.
5. Làm thế nào để xác định bệnh nhân bị thống kinh
- Lâm sàng: Hỏi bệnh, đánh giá mức độ đau, thời điểm khởi phát, đặc điểm đau và triệu chứng kèm theo.
- Cận lâm sàng: Siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm qua ngả âm đạo để phát hiện các bất thường thực thể ở tử cung, buồng trứng. Trong một số trường hợp, có thể cần thêm xét nghiệm máu, nội soi tử cung hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) nếu nghi ngờ bệnh lý phức tạp.
6. Phương pháp điều trị bệnh thống kinh
6.1. Nguyên tắc điều trị
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị thống kinh dựa vào mức độ đau và nguyên nhân gây ra bệnh. Mục tiêu của việc điều trị là giảm triệu chứng đau, cải thiện chất lượng sống, phát hiện và điều trị nguyên nhân gây thống kinh thứ phát nếu có.
6.2. Điều trị thống kinh nguyên phát
Phương pháp không dùng thuốc:

Người bị thống kinh có thể nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập thể dục nhẹ nhàng để hỗ trợ điều trị, giảm triệu chứng bệnh.
- Nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập thể dục nhẹ nhàng.
- Chườm ấm vùng bụng dưới.
- Chế độ ăn hợp lý, bổ sung vitamin nhóm B, E, magie, omega-3.
- Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá.
Phương án dùng thuốc giảm đau: Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Ibuprofen, naproxen… dùng từ khi bắt đầu có triệu chứng đau, hiệu quả nhất nếu dùng càng sớm càng tốt. Paracetamol có thể sử dụng trong trường hợp đau nhẹ, tuy nhiên không ức chế tổng hợp prostaglandin.
Thuốc tránh thai kết hợp: Có thể cân nhắc ở phụ nữ có nhu cầu tránh thai và đau bụng kinh nặng, do thuốc làm giảm sự dày của nội mạc tử cung và giảm prostaglandin.
Các phương pháp khác: Châm cứu, massage, bấm huyệt (hiệu quả tùy từng cá thể, phụ trợ điều trị).
6.3. Điều trị thống kinh thứ phát
Cần điều trị nguyên nhân thực thể gây đau bụng kinh sau khi đã xác định qua thăm khám và cận lâm sàng nếu có:
- Phẫu thuật loại bỏ u xơ, xử lý lạc nội mạc tử cung, điều trị viêm nhiễm…
- Rút hoặc điều chỉnh vòng tránh thai nếu phát hiện bất thường.
- Trong mọi trường hợp, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và theo dõi điều trị.