Theo các đơn vị thi công, việc thông hầm đường sắt Bãi Gió được thực hiện sau khi các công đoạn khắc phục sạt lở hoàn thành và được kiểm tra kỹ càng.
Hiện, các đoàn tàu trên hành trình Bắc - Nam và ngược lại lưu thông qua hầm đường sắt Bãi Gió bình thường.
Như trước đó, Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, chiều 12/4, hầm đường sắt Bãi Gió xảy ra sạt lở đợt 1 với khối lượng đất đá khoảng 180m3.
Sáng 13/4, tiếp tục xảy ra sạt lở đợt 2 với khối lượng khoảng 50m3 đất đá. Từ đêm 13/4 đến sáng 14/4 tiếp tục sạt lở đợt 3 với khối lượng lớn đất đá.
Ngay khi xảy ra sạt lở, Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang (đơn vị phụ trách trung chuyển hành khách qua địa điểm sạt lở) đã bố trí người và ô tô túc trực triển khai công tác trung chuyển hành khách qua điểm sạt lở. Nhân viên đường sắt còn hỗ trợ tối đa các nhu cầu của hành khách đi tàu, một số khách được hỗ trợ phát nước uống.
Đồng thời, các đơn vị khắc phục sạt lở đã huy động đến công trường gần 200 công nhân, kỹ sư lành nghề để khắc phục sự cố.
Lực lượng trên đã xuyên ngày đêm làm việc cật lực trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đường hầm chật chội.
Theo phương án đã được thống nhất, các đơn vị thi công khoan vào các vị trí có đất đá sạt lở trong hầm rồi phun bê tông vào đó. Đồng thời, thăm dò địa chất từ phía trên đỉnh hầm, tìm vị trí đất rỗng do sạt lở, rồi tiếp tục đưa bê tông vào, lấp lỗ sạt lở lại. Tổng cộng đã có gần 40 mũi khoan đã được khoan tại hầm đường sắt Bãi Gió để khắc phục sạt lở.
Sau khi khoan, phun bê tông để cố định các điểm sạt lở, công nhân thu dọn lượng đất đá, vật liệu rơi vào trong hầm.
Đến tối 21/4, công đoạn trên đã hoàn thành và chính thức thông hầm.
Được biết, hầm đường sắt Bãi Gió được khánh thành từ năm 1936, trần hầm làm bằng bê tông. Nguyên nhân của vụ sạt lở nói trên được được đơn vị thi công nhận định là do hầm đường sắt Bãi Gió sử dụng đã quá lâu, bê tông trên trần hầm bị phong hóa, mất tính kết dính nên đất đá rơi xuống hầm.
Bên trong hầm đường sắt Bãi Gió thời điểm xảy ra sạt lở.