Người dân sau khi được chính quyền vận động, tuyên truyền đã không còn tụ tập cản trở không cho xe chở rác vào khu xử lý rác Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Sau khi được chính quyền huyện, xã, lực lượng công an tích cực tuyên truyền vận động, người dân đã hiểu rõ vấn đề và không tụ tập nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho xe vào khu xử lý. Ngoài ra, URENCO cũng sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự. Công ty cũng đã họp với nhân dân 3 xã liên quan trong vùng ảnh hưởng môi trường để triển khai kế hoạch phục vụ Tết và khẳng định sẽ tiếp nhận, xử lý 100% rác nội thành đưa lên.
Xe rác đã được vào bãi rác Nam Sơn.
Việc thông đường vào bãi rác Nam Sơn là nhờ sự vào cuộc kịp thời của UBND TP. Hà Nội. Ngay sau khi nắm tình hình, lãnh đạo thành phố đã xuống đối thoại và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Ngày 13/1, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã ký Công văn 194/UBND-GPMB gửi các đơn vị liên quan để giao nhiệm vụ cụ thể việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP và trên cơ sở các nội dung đã thống nhất tại buổi làm việc ngày 13/1/2019 giữa lãnh đạo UBND TP cùng lãnh đạo các sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn tiếp, trao đổi với đại diện chính quyền các thôn và một số hộ dân của 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 17/1/2019 tham mưu, trình Chủ tịch UBND TP ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho UBND huyện Sóc Sơn (Trung tâm phát triển quỹ đất Sóc Sơn) thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo ranh giới, chỉ giới quy hoạch vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn; thẩm định xong bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn theo quy định trước ngày 20/1/2019.
UBND TP chỉ đạo rõ, trước ngày 30/3, huyện Sóc Sơn phải tiến hành việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ từ quý II/2019; huyện Sóc Sơn chịu trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giải thích để các hộ dân chấp hành, không cản trở việc vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn.
UBND TP cũng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng hoàn thành việc xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn theo quy định trước ngày 23/1; Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thành việc chấp thuận ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn trước ngày 30/1; Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố ứng vốn giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ phê duyệt phương án của UBND huyện Sóc Sơn.
Trước đó, người dân khu vực bắt đầu chặn xe tải chở rác từ đêm 10/1, rạng sáng 11/1 khiến hàng trăm xe tải chở rác bị ùn ứ, không thể đổ rác vào bãi rác Nam Sơn khiến lượng rác ùn ứ trong nội thành Hà Nội rất lớn. Về nguyên nhân của sự việc trên, theo ông Đồng Phước An - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội là do việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù để giải quyết cho những người còn sinh sống quanh bãi rác Nam Sơn di dời.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên người dân có hành động như đã nói ở trên mà trước đó đã có những sự việc tương tự xảy ra. Hồi tháng 10/2017, người dân cạnh Khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác nhiều ngày liên tiếp khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận, huyện nội thành. Lý do người dân đưa ra là việc xử lý rác thải tại đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh tật cho người dân. Hơn thế, mức bồi thường ảnh hưởng môi trường cũng chưa hợp lý, nhiều khi chi trả chậm...
Gần đây, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn.
Mỗi người trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0-150m được hỗ trợ 133.000 đồng/30 ngày, từ 150-300m nhận 106.000 đồng; từ 300-600m: 84.000 đồng; từ 500-600m: 80.000 đồng; từ 600-800m: 54.000 đồng; từ 800-1000m: 27.000 đồng.
Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất khoảng cách từ 0-500m được hỗ trợ 170 đồng/m2/năm; 500-1000m: 102 đồng/m2/năm.