Đó là 4 dòng tin nhắn ngắn gọn, đầy ý nghĩa của thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương:
"Hãy quản lý thời gian của con, tránh việc các con nói dối bố, mẹ đi chúc Tết thầy, cô để đi chơi;
Cha mẹ học sinh tuyệt đối không giao xe máy, không cho tiền các con với lý do đi chúc Tết thầy, cô;
Nhắc nhở các con không tụ tập, không vi phạm an toàn giao thông, không rủ nhau đi chúc Tết thầy, cô vào ban đêm;
Cha mẹ học sinh có thể tri ân thầy, cô bằng nhiều cách như: Nhắn tin, gọi điện chúc mừng, không nên tặng những món quà mang nặng yếu tố vật chất, đặc biệt những gia đình khó khăn thì không câu nệ chuyện tặng quà".
Chia sẻ thêm về những thông điệp này, thầy Tuấn Anh cho biết, thực tế tuổi của các em đang ham chơi, áp lực học hành khá căng thẳng nên việc các em nói dối bố, mẹ để rủ nhau đi chơi là điều có thể xẩy ra.
Vì vậy nhà trường phải khuyến cáo đến phụ huynh quản lý thời gian của con vào dịp lễ 20/11 vừa để đảm bảo an toàn cho các con, vừa tránh sự hiểu nhầm của phụ huynh cho rằng nhà trường tổ chức hoạt động rình rang làm ảnh hưởng đến việc học của con. Nhờ đó có sự phối hợp của phụ huynh với nhà trường để ngày 20/11 có ý nghĩa thiết thực, an toàn.
Hơn nữa, việc giao xe máy cho con khi con chưa đủ tuổi là vi phạm Luật giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Việc cho tiền con vào dịp này cũng không nên vì các thầy/cô không bao giờ mong chờ món quà vật chất từ học sinh, vì các em đâu làm ra tiền. Nếu cứ cho con tiền để đi tặng thầy, cô sẽ gây ra áp lực cho nhiều học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí làm các em có hình ảnh méo mó về giáo viên.
Về nội dung cuối cùng, thầy Tuấn Anh cho biết, ngày Nhà giáo Việt Nam luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là vinh dự của nhà giáo, nhưng cũng là áp lực không nhỏ.
Tuy nhiên những năm gần đây khi xã hội phát triển, có không ít sự biến tướng, tha hóa về cái gọi là "tri ân thầy cô". "Có những gia đình có điều kiện khá giả muốn nhân cơ hội này để tặng giáo viên bằng những món quà giá trị cao, những phong bì dày cộm để mong được thầy, cô quan tâm đặc biệt đến con mình. Cũng có những thầy, cô không vượt qua được cám dỗ. Nhưng đa số thầy, cô vẫn giữ được phẩm chất quý báu của mình, nhiều thầy cô từ chối thắng thừng, có người lại chọn phương án "lánh mặt" trong ngày lễ", thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Rồi cũng không ít phụ huynh thực sự lo lắng chuyện tặng quà thầy, cô, lo món quà có phù hợp không, lo đi thăm tặng cô vào lúc nào. Đặc biệt, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn còn lo không có quà tặng thầy, cô thì sẽ áy náy, sợ thầy cô không quan tâm con…
"Nhà trường mong muốn phụ huynh hiểu, hãy tri ân thầy, cô bằng tấm lòng, bằng sự phối hợp để cùng nhau giáo dục con em mình. Chỉ cần một tin nhắn, một cuộc điện thoại hay một cánh thiệp chúc mừng, một bông hoa với tấm lòng trân trọng là thầy, cô trân quý lắm rồi", Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương nói.
Đây không phải là lần đầu tiên phụ huynh, học sinh bất ngờ bởi những thông điệp của thầy Tuấn Anh. Trước đó, thầy cũng gây bất ngờ bởi dưới tấm pano tuyên truyền trước cổng trường: "Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hãy gọi 111" có kèm thêm số điện thoại của thầy. Từ đó, bao chuyện buồn vui, khúc mắc trong cuộc sống các học trò cũng nhắn đến số điện thoại để thầy 'gỡ vướng'.