Tiến sĩ Lorinda và Rhino Rescue (Dự án giải cứu tê giác) đã ra một giải pháp hiệu quả, tiết kiệm và hiệu quả lâu dài để bảo vệ tê giác tại Nam Phi và bất cứ đâu có nạn săn bắt trộm. Chương trình bảo tồn toàn diện này tập trung chính vào việc làm giảm giá trị của sừng tê giác trên khía cạnh thương mại bằng cách tiêm vào sừng một hợp chất gồm ectoparasiticides và thuốc nhuộm không phai màu để làm nhiễm độc và làm bẩn sừng, khiến nó không còn hữu dụng cho việc chữa bệnh cũng như trang trí nhưng lại an toàn cho động vật, đồng thời cũng tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ chúng như gắn vi mạch theo dõi, lấy và lưu giữ DNA.
Với công nghệ kỹ thuật hiện đại, đội ngũ của tiến sĩ Lorinda luôn kết hợp với các biện pháp an ninh mới, như dùng định vị phóng xạ để theo dõi nạn buôn bán sừng tê giác trên toàn cầu.
Chia sẻ điều này, tiến sĩ Lorinda cho biết: “Đây là một giải pháp phá cách cho một vấn đề ngoài tầm kiểm soát. Thực tế đáng buồn là chúng ta đang mất trung bình 3 - 4 con tê giác mỗi ngày vì những người săn trộm. Điều đó cho thấy nơi chốn an toàn của động vật hoang dã đã gần thu hẹp và số lượng ngày càng ít đi. Nhưng chúng tôi chắc chắn một điều là chúng tôi sẽ tiếp tục giải pháp này để cứu chúng. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa cho mỗi con tê giác đang sống ngoài kia một cơ hội để chiến đấu cho sự sinh tồn và để được sống, dù là nhỏ nhất”. Một khi công chúng nghe về sừng tê giác không chỉ là vô giá trị, mà còn gây nguy hiểm cao, nhiều nguy cơ gây bệnh đối với sức khỏe con người khi họ dùng chúng, chắc chắn sẽ không muốn lại gần con tê giác huống chi là dùng sừng tê giác vì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao này.
“Tôi chắc chắn rằng công chúng Việt Nam sẽ “choáng”, “sốc” nếu họ hiểu được bản chất thực sự của việc săn trộm tê giác ở Nam Phi. Tôi nghĩ rằng không một ai trong cuộc đời này sẽ nhẫn tâm giết hại tàn bạo hàng ngàn con vật nếu họ thực sự biết những hệ lụy kéo theo. Người tiêu dùng không phải là kẻ thù của chúng tôi. Người tiêu dùng chỉ là không biết và bị lợi dụng bởi các kẻ tội phạm muốn làm giàu cho bản thân họ từ việc bán các sản phẩm bất hợp pháp. Họ chỉ đưa ra điều người tiêu dùng muốn nghe để được lợi cho họ. Đừng nên tin vào những người săn trộm, họ chỉ muốn kiếm tiền và không quan tâm nếu ai đó bị tổn hại bởi chất độc của sừng tê giác. Điều chúng tôi quan tâm là sức khỏe con người. Vì vậy chúng tôi cảnh báo với công chúng rằng đừng mạo hiểm vì sức khỏe của bạn cho những thứ không đáng. Nhiệm vụ của chúng tôi là gửi thông điệp đến những người dùng sừng tê giác. Và khi người mua nhận thức mối nguy hiểm tiềm tàng thì không còn ai mua nữa. Không còn người mua thì không còn bọn săn trộm, không còn kẻ bán”, những cá nhân nòng cốt của Dự án giải cứu tê giác kết luận.
Việc khai thác và lạm dụng sừng tê giác đang diễn ra ngày càng trầm trọng.
AN NHIÊN