Hà Nội

Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu

09-07-2013 09:38 | Phòng mạch online
google news

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa cấp cứu thành công hai trường hợp mang thai ngoài tử cung hy hữu, đó là trường hợp sản phụ mang thai ở gan và một trường hợp mang song thai ở rốn thận.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa cấp cứu thành công hai trường hợp mang thai ngoài tử cung hy hữu, đó là trường hợp sản phụ mang thai ở gan và một trường hợp mang song thai ở rốn thận. Có thể nói, đây là những ca bệnh mà ngay cả trên thế giới, y văn cũng chỉ ghi nhận rất ít trường hợp. Những ca bệnh “có một không hai” này đặt các bác sĩ trước những lựa chọn hết sức cam go để kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu 1
 BS.CKII. Nguyễn Văn Hà thăm bệnh nhân H. sau mổ. Ảnh: Dương Hải

Ca bệnh thứ nhất

BSCKII. Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng khoa Đẻ (BV Phụ sản TW) cho biết, bệnh nhân H. được chuyển đến BV Phụ sản TW ngày 27/6, trong tình trạng choáng, mạch huyết áp tụt, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt. Sau khi tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, phát hiện trong bụng có hơn 2 lít máu. Tiến hành kiểm tra tử cung và phần phụ, các bác sĩ không thấy có khối thai, tuy nhiên, ở trên bề mặt gan thì có rất nhiều máu cục. Do đó đã nghĩ đến chửa ngoài tử cung ở gan - một dạng chửa rất hiếm gặp (theo y văn thế giới hiện cũng mới chỉ ghi nhận khoảng 20 ca như vậy). Nhận định đây là một ca bệnh khó, BV Phụ sản TW đã mời bác sĩ BV Việt Đức sang cùng hội chẩn và xử trí. Do ca bệnh phức tạp không thể phẫu thuật nội soi được nên các bác sĩ quyết định mổ mở và phát hiện khối chửa kích thước 1x2cm nằm sát hạ phân thùy 7 của gan, cạnh tĩnh mạch chủ sau gan, nằm dưới chân cơ hoành. Ê-kíp phẫu thuật đã quyết định hạ gan phải, cắt dây chằng tam giác, dây chằng liềm mới bộc lộ tổn thương. Kết quả sau hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã lấy được khối thai bị vỡ, khâu lại tổn thương, đặt ống dẫn lưu ổ bụng, truyền tới 13 đơn vị máu và chế phẩm máu. Ngoài ra, lấy ra được 2 lít máu đỏ tươi và 300gam máu cục trong cơ thể bệnh nhân.

Sau khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, mọi chỉ số sinh học bình thường. Ngày 3/7, bệnh nhân đã khỏe mạnh và được ra viện. Trò chuyện với bệnh nhân H. trước khi xuất viện, chị H. xúc động nói: “Dù không may mắc bệnh hiếm gặp nhưng tôi rất cảm ơn các y bác sĩ đã dốc lòng cứu chữa tôi qua khỏi cơn nguy kịch, để tôi có thể tiếp tục hy vọng về thiên chức làm mẹ...”.

Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu 2
 1. Bệnh nhân Trần Thị T. bị chửa ngoài tử cung ở rốn thận (ảnh minh họa).

2. Khối chửa ngoài tử cung tại loa vòi.

3. Khối chửa ngoài tử cung tại loa vòi bị vỡ gây chảy máu.

4. Phẫu thuật nội soi lấy khối chửa song thai ngoài tử cung của bệnh nhân Trần Thị T.

Ca bệnh thứ hai

Trước ca bệnh thứ nhất khoảng 2 tháng, bệnh nhân Trần Thị T. sinh năm 1982, có các dấu hiệu chậm kinh, đau thắt lưng bên trái dữ dội, được người nhà đưa đến BV Việt Đức. Tuy nhiên, sau khi xem xét tình hình bệnh nhân, các bác sĩ BV Việt Đức đã chuyển sang BV Phụ sản TW. TS. Vũ Bá Quyết, Phó Giám đốc BV Phụ sản TW kể lại: “Bệnh nhân có tiền sử chửa ngoài tử cung. Sau khi nghiên cứu hồ sơ và tình trạng bệnh nhân, ngay lập tức, chúng tôi đã cho thử bê-ta hCG phát hiện lượng bê-ta hCG rất cao, lúc đó chúng tôi đã nghĩ đến bệnh ung thư nguyên bào nuôi. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định siêu âm ổ bụng và phát hiện không có thai trong buồng tử cung, nhưng thấy có hai tim thai, nên đã cho thai phụ đi chụp cộng hưởng từ. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân chửa song thai sau phúc mạc trên rốn thận trái”. Đứng trước một ca bệnh phức tạp và có thể nói hy hữu không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, với kinh nghiệm công tác, TS. Quyết nhận định: “Đây là một ca bệnh khó, hiếm gặp, nên chúng tôi đã xin ý kiến ban lãnh đạo BV và mời bác sĩ BV Việt Đức sang cùng hội chẩn. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định xử trí hủy thai. Do đó, bệnh nhân được chỉ định mổ nội soi, trước hết là hút hết ối và tiêm Kcl để hủy thai, kết hợp với truyền hóa chất (MTX). Kết quả, sau khi can thiệp 3 ngày, bệnh nhân không xuất hiện các cơn đau dữ dội và đã khỏi hoàn toàn các triệu chứng đau thắt lưng trái (trước đó bệnh nhân có chậm kinh kèm đau thắt lưng trái)...”. TS. Quyết cho biết, nếu không có kinh nghiệm trong xử trí ca bệnh này thì nguy cơ tử vong là rất lớn. Khó khăn nhất trong những ca bệnh như thế này là tìm ra vị trí tổn thương. Nếu không được phát hiện kịp thời, khi thai tiến triển, phải mổ mở thì nguy hiểm đến tính mạng bởi bệnh nhân sẽ mất rất nhiều máu, vì nơi thai lạc chỗ ở ngay rốn thận là nơi có nhiều mạch máu, đặc biệt một phần bánh rau bám vào động mạch chủ bụng nên nguy cơ mất máu cũng như tử vong rất cao. Vì vậy, kinh nghiệm trong những ca bệnh như thế này cho thấy, việc hội chẩn chuyên khoa để ngay lập tức đưa ra chiến lược điều trị thích hợp là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại.           

Ng. Hồng - Thanh Hiệp
Chửa ngoài tử cung cần được chẩn đoán và xử trí kịp thời
 
Thông điệp từ hai ca mang thai ngoài tử cung hy hữu 3
TS. Lưu Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Chửa ngoài tử cung là một cấp cứu, có thể gây tử vong cho thai phụ nếu không được xử trí kịp thời. Đây là trường hợp có thai nhưng không di chuyển được về buồng tử cung để làm tổ mà làm tổ lạc chỗ ở ngoài tử cung, thường là ở vòi trứng, có khi bám vào buồng trứng, cũng có khi rơi vào ổ bụng rồi làm tổ trong ổ bụng. Trong thực tế, rất hiếm gặp chửa ở buồng trứng và chửa trong ổ bụng, mà chủ yếu là chửa lạc chỗ ở vòi trứng (tới 93% các trường hợp chửa ngoài tử cung). TS. Lưu Thị Hồng khuyến cáo: Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 18 - 45 tuổi có dấu hiệu thai nghén hoặc đã có thai rõ ràng như chậm kinh, nghén nhưng có ra ít máu một kéo dài, đồng thời có kèm đau bụng ở vùng bụng dưới, mỗi khi đau lại có ra ít máu, cần phải nghĩ đến chửa ngoài tử cung. Nếu đau bụng nhiều, liên tục hay từng cơn, tự nhiên bị choáng, ngất đi ngất lại càng phải nghĩ đến chửa ngoài tử cung và phải chuyển ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Ở tuyến xã, huyện, nếu gặp các trường hợp có dấu hiệu gợi ý trên mà kèm theo dấu hiệu choáng ngất, phải gọi ngay xe cấp cứu tới và trong khi chờ cấp cứu phải cho bệnh nhân nằm duỗi chân, đầu thấp.        
 
 Khánh Mai (ghi)

Ý kiến của bạn