Trước khi phải nhập viện cấp cứu vì... táo bón, bà H. vẫn khỏe mạnh, hàng ngày vẫn đi cấy. Nhưng sau 3 ngày không đại tiện được, bà đã phải nhập viện vì phân táo gây biến chứng tắc ruột cấp dẫn đến thủng đại tràng xích-ma.
Suýt bị thủng ruột
Được người nhà đưa đến BVTW Quân đội 108 để cấp cứu vì đau bụng dữ dội sau khi đi cấy từ sáng sớm về, đến giờ, bà Bùi Thị H., 76 tuổi, ở Mỹ Hào, Hưng Yên vẫn không tin nổi là mình bị thủng ruột chỉ sau 3 ngày không đi đại tiện được. Ngày hôm đó, khi bà H. kêu đau bụng đột ngột, cả gia đình vẫn nghĩ đơn giản là do táo bón. Nhưng đến chiều hôm đó, cơn đau càng tăng lên dữ dội, lan khắp ổ bụng không chịu được, gia đình lập tức đưa bà đi cấp cứu tại BVTW Quân đội 108.
Khối tắc gây thủng ruột bệnh nhân H.
Tại Khoa Ngoại nhân dân B15 BVTW Quân đội 108, PGS.TS. Triệu Triều Dương - Chủ nhiệm khoa cho biết, bệnh nhân Bùi Thị H. nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng hạ vị và quanh rốn, bụng chướng, ấn đau khắp ổ bụng, 1/2 bụng dưới đau nhiều, bên trái đau hơn bên phải.
Mặc dù kết quả CT được chẩn đoán ban đầu là viêm ruột thừa, ruột thừa nằm sau manh tràng, nhưng qua theo dõi và thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm phúc mạc do bệnh lý thủng ruột và chủ động mở đường trắng giữa ổ bụng để xử lý nguyên nhân.
Kết quả sau mổ cho thấy, bệnh nhân bị vỡ đại tràng xích-ma do sỏi phân, tại đại tràng xích-ma có một lỗ thủng, phía dưới lỗ thủng có khối thức ăn làm tắc đại tràng. Theo TS. Dương, đây có thể là hậu quả của quá trình táo bón lâu ngày gây biến chứng tắc ruột cấp dẫn đến thủng đại tràng. Các bác sĩ đã lấy bỏ khối bã, làm hậu môn nhân tạo, cứu sống bệnh nhân. Hiện sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định và đang chờ mổ lần 2 để đóng hậu môn nhân tạo.
Chớ chủ quan với táo bón
PGS.TS. Triệu Triều Dương cảnh báo, táo bón đôi khi chỉ đơn giản là do thói quen ăn uống không khoa học, chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, ít vận động, lười uống nước hoặc thói quen nhịn đi cầu... Những trường hợp này có thể điều trị dễ dàng, do đó, người bệnh thường chủ quan không đi khám và điều trị khi bị táo bón. Nhưng đôi khi táo bón lại là triệu chứng của một bệnh lý thực thể tại đường tiêu hóa (viêm đại tràng, rối loạn chức năng đại tràng...) hay bệnh toàn thân nào đó như suy giáp trạng, tăng canxi máu, nhiễm độc chì hoặc các nguyên nhân chèn ép gây hẹp lòng đại tràng...
Nhìn chung, những bệnh nhân bị táo bón sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống và đôi khi có thể nguy hại đến tính mạng. Biểu hiện của bệnh thường gặp là cảm giác đầy - trướng bụng, nặng hơn có thể buồn nôn hoặc nôn khi bị tắc ruột. Những người bị táo bón thường đau đầu, mất ngủ, chán ăn và suy nhược cơ thể, làm việc thiếu tập trung... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón là do quá trình chậm lưu thông làm rối loạn tái hấp thu gây nhiễm độc và nhiễm khuẩn. Quá trình bán tắc có thể dẫn tới phân bị cô đặc tạo thành sỏi phân gây tắc ruột, nếu không được phẫu thuật kịp thời có thể vỡ ruột gây viêm phúc mạc như bệnh nhân trên. Trường hợp này rất nặng nề vì bệnh nhân phải chấp nhận đến hai lần mổ, không chỉ gây tổn hại sức khỏe mà đôi khi người bệnh phải đối diện với nguy cơ tử vong. Do đó, TS. Dương khuyến cáo, người bệnh bị táo bón không nên chủ quan mà cần đi khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Vân Anh