![]() |
Bắt rắn - Một cái “nghề” khó “hành”
Họ chỉ là những người nông dân nghèo khổ, họ hành nghề bắt rắn như là sự đẩy đưa của số phận, may mắn hẳn là rất ít, còn rủi ro thì không tính hết. Mùa khô, từng đoàn người lũ lượt kéo nhau vào rừng. Họ chia nhau mỗi người một ngả, trấn giữ từng lãnh địa riêng. Một cuộc kiếm tìm, đào bới đầy hứng khởi và tràn trề hy vọng. Lũ rắn không chân tội nghiệp kia biết chạy đâu cho thoát. Cũng có người trúng ngay từ lúc hạ trại, có người đi dăm bảy ngày, hết gạo, về không. Có người bị rắn độc cắn, chết ở một xó rừng nào đó chưa tìm thấy xác, có người lê lết về đến làng chưa kịp nhìn mặt người thân đã tắt thở. Có người liều mình tự chặt tay chân ngăn không cho nọc độc theo máu vào tim để chịu thương tật suốt đời. Không có nỗi đau đớn vật vã nào bằng rắn cắn, vết thương tụ huyết độc bầm tím, sưng vù.
Cách đây 5 năm, tôi đã từng chứng kiến một cuộc kịch chiến giữa anh chàng thợ săn khỏe mạnh tên Năm tại khu vực Bàu Sắn - Trị An. Đêm ấy, trăng mờ mờ, hai anh em chúng tôi hẹn nhau đi rình heo về phá rẫy dưới bóng một cây kơnia rậm lá. Vận may xuất hiện khá nhanh, một chú heo rừng nặng cả tạ lù lù dẫn xác đến. Khoảng cách chỉ còn hơn 10m, khẩu súng ka-líp trong tay Năm ghếch nòng chuẩn bị siết cò thì chú heo rừng ngửi thấy mùi lạ bèn đổi hướng đi. Tiếc con mồi ngẩn ngơ, Năm xách súng rượt theo, cỏ tranh rậm rạp xao xác dưới chân. Bỗng đâu từ trên cao có một vệt đen dài lao xuống đánh uỵch, Năm bị rút ngược lên cành cây lớn đang xòa tán trước mặt tôi. Năm hét toáng lên: “Cứu em với!”. Tôi không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao nữa, đầu óc chếnh choáng, người gai gai vì sợ. Đêm trăng non đã tàn, trời tối như có ai bưng lấy mắt. Định thần, tôi bấm chiếc đèn đi săn sáng quắc về hướng Năm kêu cứu. Thật khó tưởng tượng nổi, con trăn gió to cỡ cột nhà, dài hơn chục mét đang cuốn chặt Năm treo lơ lửng trên cành cây. Cũng nhờ cái báng súng mà Năm không bị gãy xương, không bị chết ngạt. Chú trăn vặn mình răng rắc, bóng cây rung lên từng chập, Năm bị bọc kín dần trong lớp vảy trăn, còn cái đầu tóc bù xù là tôi còn nhìn thấy được. Năm dùng hết sức bình sinh chống trả rồi dùng hàm răng chắc khỏe của mình cắn bập vào lưng trăn gió nhằn ra từng mảnh thịt lớn. Đau quá, chú trăn nới dần vòng cuốn. Năm liền tháo dây báng súng, dây nịt trói chặt con trăn gió bị thương trên cành cây rồi đánh đu xuống đất. Áo quần Năm tả tơi rách bươm, da thịt tím bầm từng mảng lớn. Năm bảo tôi ngồi yên ở đấy, nó chạy tắt theo một lối nhỏ quen thuộc trong rừng về làng kêu thêm người mang rọ sắt khiêng chú trăn khổng lồ về nhà, vài ngày sau thì bán cho một người chuyên làm nghề nấu cao rất nổi tiếng ở mạn sơn cước Mã Đà.
Những thủ thuật nghề rắn
Muốn có một chú rắn khỏe mạnh, không trầy vi tróc vẩy chẳng có cách nào hơn là phải “túm” bằng tay, nếu gặp phải rắn có chửa hoặc rắn dữ thì chúng “đớp” cho bằng chết. Có nhiều con rất nhát, hễ thấy bóng người là chạy biến vào trong cỏ sậy, trong một đám lá dày bít nào đó, dù có tìm đỏ hoe con mắt cũng không thấy. Họ cũng không quên tìm tới những khu rừng ẩm ướt mà anh em nhà rắn thường hay tá túc, sinh sôi nảy nở ở đó. Ban ngày, các chú rắn khoanh tròn dưới những hốc cây, dưới đám cỏ lá ẩm mục hoặc cuộn người vắt vẻo hệt một cành cây khẳng khiu để nhử chim, rình sóc đuôi bông. Các chú vẫn thường có thói quen ngẩng cao đầu, dù nằm ở bất kỳ tư thế nào, hai mắt xanh như hai hòn bi ve, luôn nhìn ra phía trước để tấn công kẻ thù hoặc săn bắt mồi. Họ nhà rắn rất ít khi bắt trượt mồi, chúng thường giấu mình rất kỹ rồi lao thẳng ra như tên bắn, con mồi bị đớp chết ngay lập tức do nhiễm nọc độc. Có những chàng rắn tinh tường đến mức hễ nghe bước chân người đi ngang qua hoặc thấy lấp loáng ánh đèn pin là các chú co rút đầu lại trốn vào thân, nếu khôn hồn thì nhanh nhanh tìm hang mà đào thoát. Ông Ba ở Phú Cường hành nghề bắt rắn tinh nghệ đến mức có thể đánh hơi được mùi rắn, con nào trốn dưới cỏ, con nào lẫn trên cây, con nào nằm dưới đất… ông đều phát hiện ra, chính xác như máy rà mìn. Mỗi chuyến đi rừng ông kiếm chắc ăn 5-7 ký rắn, có khi đeo nặng cả bòng. Theo như ông nói, phúc đức trời phật thương cho vài “anh hổ chúa” là sắm được cả cây vàng. Ông vừa nói vừa mở gút cái miệng bao tải ra, một lũ rắn đủ chủng loại, đủ màu sắc. Chúng tranh nhau lao đầu ra giữa cái sân đất nhà ông, nào hổ chúa mái gầm, nào cạp nong, cạp nia, nào rắn lục, hoàng xà, nào rắn ráo, rắn nước, nào rắn rồng, rắn kim… cứ xoắn xuýt, ngọ nguậy như mớ dây tời. Con thì nhe răng phồng mang, con thì gồng mình đập đuôi tức tối, con thì chực chờ cắn đớp để trả thù cho cái sự không may của số phận. Điều kỳ lạ thay, các chú chỉ hăm dọa cho vui chứ chẳng tấn công ai, có đến hàng chục con cứ ngọ nguậy trườn bò trong cái khoảng sân chật hẹp nhà ông mà không dám ra vườn. Một lát sau, chúng lại cuộn tròn với nhau như một quả bóng bị bơm phình quá cỡ. Tôi lóng ngóng chụp hết cả cuộn phim mà không thấy chán. Bất ngờ, thằng cháu nội 5 tuổi của ông từ đâu nhảy bổ vào sân xé “quả bóng rắn” ra mấy con rồi quàng qua vai, qua cổ, còn cô út thì nắm giật đuôi một chú hổ mang bành to như cái rẽ quạt có ý nhát ghẹo tôi. Mãi sau này tôi mới biết, ông có một bí quyết chữa rắn cắn bằng thảo dược hết sức kỳ lạ, bất kỳ ca nặng nhẹ nào mang đến ông đều chữa lành mà không hề lấy tiền. Những chú rắn mà ông bắt được đã bị “thuần hóa” đến mức ngơ ngáo, không còn bản năng tự vệ như những nơi hoang dã nữa, ai muốn bắt, muốn sờ nắn gì cũng không sao.
Có lần, tôi được chứng kiến một cảnh tượng về rắn thật hi hữu và cũng thật nực cười. Đó là hàng chục con rắn sổng bao trên một chuyến tàu tốc hành Bắc Nam. Các chú tưởng mình được trả tự do nên tha hồ chui rúc từ chân của người này sang chân người khác, chú thì khoanh tròn trên ba lô hành lí, vali, chú thì nằm vắt vẻo trên lưng ghế, chú thì quấn đuôi buông thõng mình trên gác để đồ, chú thì thò đầu qua cửa sổ, chú thì chui tọt vào buồng vệ sinh… khiến hành khách được một phen hoảng hồn, thất sắc, cả toa tàu Thống Nhất náo loạn, phát rồ lên vì sợ. Họ không biết chạy đâu cho thoát lũ rắn. Còn chủ nhân buôn lậu cái thứ hàng cấm kia sợ bị lộ tẩy, đành ngồi im re.
Buồn vui thị trường rắn
Thị trường buôn bán rắn khá hỗn loạn, bất chấp cả luật pháp nhưng lại diễn ra hết sức bí mật, có đường dây giao hàng và có cả những “vệ tinh”, cò mồi bâu như kiến cỏ. Chỉ cần một chú rắn ra khỏi cửa rừng là có hàng chục thương lái chực chờ sẵn, giá cả lên xuống từng giờ. Người bán hồi hộp âu lo, người mua chê ỏng chê eo để ép giá. Một chú rắn chỉ cần tróc vẩy tí tì ti thôi, chỉ cần đôi mắt lờ đờ ít ngọ nguậy hay gầy gầy, ôm ốm là sẽ bị giảm giá từ 10-15 phần trăm. Còn gãy lưng, đứt đuôi thì khỏi nói, cứ là mất đi một nửa giá trị thực của nó. Điều này chỉ làm khốn khổ cho các anh đi bắt, phải băng rừng lội suối, phải săm soi mày mò mãi mới có được từng ấy chú rắn “lận lưng”, ai dè họ phải chịu đựng hàng ngàn lẻ một lý do để bị ép, có người tức chí đem về nhà nướng trui xé ra nhậu cho bõ ghét rồi bỏ nghề vĩnh viễn. Những ông trùm buôn bán rắn thì giàu phất lên như diều gặp gió, chỉ cần nhấc máy điện thoại di động lên tai là có thể biết ngay giá ở biên giới Việt - Trung, Hà Nội và cả làng rắn Lệ Mật bao nhiêu để chạy hàng cung ứng. Ngành kiểm lâm mất rất nhiều công sức nhưng chẳng biết phạt được ai. Rắn miền Đông cứ thế chu du khắp các nhà hàng Sài Gòn, Biên Hòa, Bình Dương, Huế, Hà Nội… Các chú còn sang mãi tận bên Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Vân Nam của Trung Quốc. Con đường “thiên lý rắn” khá ngoằn ngoèo và phức tạp.
Phải nói rằng trong tâm linh của người xưa, rắn được trân trọng, được sùng bái như một tín ngưỡng dân gian. Họ nhà rắn được phong thần, được xếp vào hàng 12 con giáp, được dựng miếu thờ rất linh thiêng. Còn bây giờ, vị thế của họ hàng nhà rắn bị đảo lộn hoàn toàn. Các chú bị tùng xẻo, bị chà đạp hết sức dã man. Con người có thể xóa sổ tên tuổi của các chú, đang xô đẩy các chú đến bên bờ vực thẳm của sự tuyệt diệt. Đó cũng là một thông điệp buồn của năm con Rắn.
Nguyễn Hoài Nhơn