Thời trang mùa World Cup

04-07-2014 08:33 | Khỏe - Đẹp
google news

SKĐS - Ngoài sức hấp dẫn lan tỏa từ trái bóng, World Cup 2014 còn đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của thời trang và những phụ kiện đi kèm

Ngoài sức hấp dẫn lan tỏa từ trái bóng, World Cup 2014 còn đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của thời trang và những phụ kiện đi kèm. Đây cũng là dịp cổ động viên các đội bóng “khoe” bản sắc đất nước họ. Tuy đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ giành được tấm vé vào vòng chung kết môn thể thao vua này, nhưng chúng ta cũng không đứng ngoài “bữa tiệc” của toàn thế giới, chúng ta không chỉ “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” mà “gu” thời trang cũng thay đổi theo mùa World Cup.

Không quá lời khi nói rằng World Cup là một sàn diễn thời trang khổng lồ, đội ngũ người mẫu là những cổ động viên đến từ các châu lục trên thế giới. Ngoài việc khoác lên mình những bộ trang phục mang đậm bản sắc dân tộc, khán giả thế giới còn được thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật vô cùng ngẫu hứng. Khán đài World Cup năm nay cũng là một sân khấu đa văn hóa, đa sắc màu và cực kỳ sinh động, ở đó mỗi cổ động viên là một người nghệ sĩ.

Tiểu thương Việt “ăn theo” bóng đá

Trở lại với sức lan tỏa của World Cup tại Việt Nam, khác với không khí nhộn nhịp trên toàn thế giới, các nhà thiết kế Việt lại tỏ ra khá trầm lặng, hầu như các sản phẩm của họ không hề đề cập tới World Cup. Tuy nhiên, trái ngược với hiện trạng “đóng băng” trên thị trường thời trang nói chung do sức mua giảm thì riêng mặt hàng quần áo thể thao lại ăn nên làm ra nhờ World Cup.

Cũng là một cách thể hiện tình cảm đối với đội bóng mà mình yêu thích, ngay từ những ngày đầu mùa World Cup 2014, khá đông giới trẻ, người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam đã tìm mua cho mình một vài bộ đồ thi đấu của các đội bóng lọt vào vòng chung kết World Cup 2014. Hiện nay, giá tại nhiều shop quần áo thể thao ở TP.HCM và Hà Nội dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/bộ. Dù vào mùa bóng, hầu hết chủ shop vẫn duy trì giá các loại quần áo, mũ, giày thể thao... ở mức như bình thường để dễ dàng đáp ứng nhu cầu của người yêu bóng đá. Nhưng tùy vào chất liệu vải, in ấn mà giá ở mỗi nơi có thể sẽ chênh nhau ít nhiều. “Đặc biệt, với đồ đặt may theo yêu cầu, hoặc khách đòi đồ xịn, chất lượng thì giá một bộ quần áo may theo màu sắc, số thứ tự các đội tuyển phải từ 200.000 đồng trở lên”, một tiểu thương cho biết.

Các tiểu thương khác cũng chia sẻ thêm: “Từ một tháng nay, ngày nào cửa hàng chúng tôi cũng đông khách chọn quần áo thi đấu của các đội vào vòng chung kết World Cup 2014. Chủ yếu là sinh viên. Bình quân mỗi ngày bán được từ 30 - 40 bộ quần áo thể thao của nhiều đội bóng khác nhau. Mùa bóng này, đồ thể thao trẻ em cũng bán rất chạy, cháy hàng liên tục”.

Không chỉ riêng giới trẻ, hầu hết người hâm mộ bóng đá ở mọi lứa tuổi đều có nhu cầu sắm ít nhất một bộ đồ thể thao của cầu thủ các đội mà mình hâm mộ. Một lựa chọn “ngon - bổ - rẻ” hơn đối với các bạn sinh viên, học sinh, đó là việc nhắm đến thị trường áo in. Từ trước khi World Cup 2014 khai màn, thị trường áo in đã vô cùng “bận rộn”. Họ cũng kịp tung ra những “bộ sưu tập” áo in hot nhất mùa World Cup năm nay, không khó để các fan cuồng bóng đá kiếm cho mình những mẫu in cả chân dung thần tượng lên áo: mẫu áo đội tuyển Hà Lan với đại diện Robin van Persie; mẫu áo đội tuyển Anh với đại diện Wayne Rooney; mẫu áo đội tuyển Brazil với đại diện Neymar; mẫu áo đội tuyển Tây Ban Nha với đại diện Sergio Ramos; mẫu áo đội tuyển Argentina với đại diện Lionel Messi; mẫu áo đội tuyển Ý với đại diện Mario Balotelli...

Tuy rằng sự ăn nên làm ra của mặt hàng áo in chỉ xuất hiện theo mùa, nhưng cũng đáng để các thương hiệu thời trang và đội ngũ nhà thiết kế Việt phải ngẫm nghĩ. Đến nay, “cơn ác mộng” đối với các thương hiệu thời trang Việt vẫn là vấn đề cạnh tranh. Có vẻ như càng sợ thì họ càng có xu hướng thu mình lại, sự “im lặng” của họ trong mùa World Cup là một ví dụ. Sợ rằng không cạnh tranh nổi với các tiểu thương và mặt hàng nhập ngoại về giá nên tuyệt nhiên người tiêu dùng không có cơ hội chiêm ngưỡng những bộ sưu tập mang hơi hướng World Cup từ các nhà thiết kế chuyên nghiệp.

Dường như các thương hiệu thời trang Việt luôn có thành kiến với hình thức kinh doanh chạy theo sự kiện, nhưng đôi khi sự “chộp giật” không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực. Có lẽ người tiêu dùng sẽ phải chờ đến Euro 2016 hoặc World Cup 2018 mới có dịp chứng kiến màn “tung chiêu” của các nhà thiết kế Việt. 

Trà My


Ý kiến của bạn
Tags: