Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh lý phổ biến thứ 2 ở trẻ em chỉ sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính. Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh do virus gây ra và lây truyền qua đường ăn uống. Khi bị nhiễm Rotavirus, trẻ có thể bị rối loạn vận động đường tiêu hóa và gây ra tình trạng tiêu chảy cấp.
Biểu hiện trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus
Trẻ em từ độ tuổi 6 tháng tuổi đến 2 tuổi có khả năng mắc Rotavirus cao hơn so với bình thường. Ngoài ra bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào đều có nguy cơ mắc Rotavirus.
- Sốt: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất ở trẻ nhiễm Rotavirus, trong đó có khoảng 50% trường hợp trẻ từ 6 tháng – 2 tuổi nhiễm Rotavirus sẽ sốt nhẹ (dưới 38 độ C).
- Đi ngoài: Trẻ đi ngoài từ 10-20 lần/ngày thậm chí có trường hợp đi ngoài trên 20 lần/ngày.
- Nôn nhiều, trẻ thường nôn nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu chảy.
- Đau bụng.
- Rối loạn điện giải, mất nước. Ở trẻ em lượng nước trong cơ thể cao hơn so với người lớn, do vậy tình trạng đi ngoài nhiều và sốt cao sẽ dễ dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Vân Hồng giải đáp về tình trạng tiêu chảy cấp do rotavirus ở trẻ em.
Cần làm gì khi trẻ mắc tiêu chảy cấp do Rotavirus?
Trong độ tuổi từ 1 – 5 tuổi sẽ có khoảng 95% trẻ bị nhiễm Rotavirus ít nhất 1 lần. Ở miền Bắc, thời điểm dễ mắc bệnh nhất là khi thời tiết mưa lạnh, ẩm ướt từ mùa thu đông sang mùa xuân. Còn ở miền Nam, trẻ em có thể mắc bệnh quanh năm nhưng chủ yếu rơi vào từ 3, tháng 9.
Khi trẻ được xác định bị nhiễm Rotavirus, cha mẹ cần bù nước và điện giải cho trẻ kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nước và điện giải. Lúc này, cha mẹ cần bình tĩnh và thận trọng để đánh giá tình hình sức khỏe của trẻ.
- Đầu tiên, cha mẹ cần xem lại các đồ ăn mà trẻ đã nạp vào trong ngày
- Trẻ còn khả năng uống được nước hay không
Nếu số lần và số lượng trẻ đi ngoài không quá nhiều, cha mẹ có thể cho trẻ uống oresol theo chỉ định tại nhà. Đối với các trường hợp bị tiêu chảy cấp do Rotavirus nhẹ, bệnh có thể tự khỏi trong khoảng từ 3-8 ngày.
Cha mẹ cần lưu ý, không điều trị bệnh cho trẻ bằng các loại lá hay các loại thuốc truyền miệng không có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Bởi việc sử dụng các phương pháp điều trị không đúng có thể làm trẻ rối loạn điện giải, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra không dùng kháng sinh, bởi kháng sinh không có tác dụng diệt virus.
Phân biệt tiêu chảy cấp do Rotavirus và các loại khác
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ như: nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, Rotavirus, ngộ độc thực phẩm… Khi trẻ có các biểu hiện như sốt, nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần… cha mẹ cần theo dõi xem trẻ sốt có đi kèm cùng các biểu hiện của việc nhiễm trùng không.
Trong trường hợp trẻ sốt cao kèm theo khô môi, lưỡi bẩn là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, không phải nhiễm Rotavirus.
Còn nếu trẻ bị tiêu chảy, số lần đi ngoài nhiều kèm theo sốt, nôn, mệt và không ăn/uống được, mắt trũng, da khô… là do Rotavirus. Lúc này cha mẹ cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế bởi đó là biểu hiện diễn biến nặng của bệnh.
Phòng ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirus
Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus lây truyền theo đường tiêu hóa thông thường. Đáng lưu ý, không thể tiêu diệt Rotavirus bằng cách rửa xà phòng thông thường, Rotavirus cần các dung dịch diệt khuẩn có cồn để loại bỏ hoàn toàn.
Khi trẻ tiếp xúc với bề mặt (bàn ghế, đồ chơi, vật dụng trong gia đình…) rồi đưa tay lên miệng, Rotavirus sẽ xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa của trẻ và gây bệnh. Tiêu chảy cấp do Rotavirus thường gây dịch tễ nhỏ trong bếp ăn tập thể, trường học…
Cha mẹ có thể phòng bệnh cho trẻ bằng việc tiêm vaccine đầy đủ, trong thời tiết giao mùa dịch bệnh dễ bùng phát nên vệ sinh nhà cửa bằng dung dịch Cloramin B, vệ sinh chân tay cho trẻ thường xuyên. Nếu trong nhà có trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus cần vệ sinh bồn cầu sau khi trẻ đi vệ sinh, cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà và không nên đến nơi đông người để lây nhiễm cho các trẻ khác.
Xem thêm video được quan tâm:
Những thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy