Hà Nội

Thời tiết ngày 30/8: Bắc Bộ mưa lớn, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

30-08-2018 07:29 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ hôm nay (30/8) đến hết ngày 31/8, mưa to tập trung ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc. Trong ngày và đêm nay (30/8) là cao điểm của đợt mưa lớn này, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ hoạt động mạnh nên ngày và đêm qua (tính đến 01 giờ sáng ngày 30/8) ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến trong khoảng 50-100mm, có nơi cao hơn như Việt Trì (Phú Thọ) 107mm, Hữu Lũng (Lạng Sơn) 142mm, Cầu Sơn (Bắc Giang) 202mm, Lục Nam (Bắc Giang) 133mm Quảng Hà (Quảng Ninh) 166mm...

Hiện nay (30/8): Vùng xoáy thấp tồn tại trên khu vực đông bắc Bắc Bộ phát triển từ tầng thấp lên đến độ cao 5.000m.

Riêng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai có mưa rất lớn, lượng mưa 100-150 mm/24 giờ.

Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế hiều mây, phía bắc (Thanh Hóa-Nghệ An) có mưa to đến rất to và rải rác có dông; phía Nam có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.

Tây Nguyên nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều tối có mưa, mưa rào nhẹ rải rác và có nơi có dông. Gió tây nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh..

Nam Bộ mây thay đổi, có mưa rào và dông vài nơi. Gió tây nam cấp 2-3. Độ ẩm từ 60 - 98%.

 

Cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn

Cảnh báo: trong ngày và đêm nay (30/8) là cao điểm của đợt mưa lớn này; riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc, mưa lớn sẽ còn kéo dài sang ngày 31/8.

Thời tiết khu vực Hà Nội: Trong ngày và đêm nay (30/8) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Cảnh báo rủi ro thiên tai do mưa lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La ở cấp độ 2. Cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại Yên Bái, Tuyên Quang đặc biệt là các huyện Trạm Tấu, Lục Yên (Yên Bái); Na Hang, Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Đã có 1 người chết ở Hòa Bình do sạt lở đất, 1 người mất tích ở Sơn La, do lũ cuốn và 3 người bị thương (ở Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên).

Mưa to liên tục trên diện rộng đã gây lũ ống, ngập nước ở nhiều địa phương của tỉnh Sơn La, nhiều điểm giao thông trên quốc lộ (QL) 6, QL37, QL4G và tuyến tỉnh lộ bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Mưa lũ làm 33 hộ dân phải di chuyển chỗ ở khẩn cấp, hàng trăm hộ bị ảnh hưởng tài sản. Một người dân xã Nà Bó (huyện Mai Sơn) bị trượt chân rơi xuống suối Cap Na, đến nay chưa tìm thấy. Mưa lũ làm hơn 55 ha lúa bị ngập úng, 3.100 m2 ao bị ngập. Một số trường tiểu học, mầm non ở huyện Mường La và Quỳnh Nhai bị ngập, lũ cuốn trôi tường rào, ảnh hưởng công tác chuẩn bị năm học mới. Ðến cuối ngày 29/8, công tác tháo dỡ, di chuyển nhà ở các hộ dân tại Chiềng Bằng, Mường *Sại, Mường Giôn vẫn đang được thực hiện.

* Tại địa bàn xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Ðiện Biên xảy ra lũ quét, cuốn trôi nhiều nhà dân; trường học, trụ sở UBND xã bị lũ tràn qua, ngập bùn đất. UBND xã huy động các lực lượng tại chỗ sơ tán khẩn cấp 580 học sinh và 355 người dân đến nơi an toàn. Chiều 29/8, xã Chà Nưa hỗ trợ bốn gia đình thuộc bản Nà Cang, Nà Sự di chuyển tránh nguy cơ sụt lở… Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ đã cho các trường tạm dừng giảng dạy đến hết tuần.

Tại tỉnh Hòa Bình, mưa lớn kéo dài trong hai ngày 28 và 29/8 gây sạt lở đất đá ảnh hưởng năm hộ dân tại xóm Co Lương (xã Vạn Mai, huyện Mai Châu) trong đó, một gia đình bị sập tường, khiến một cháu nhỏ chết. Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các địa phương hiện đang được khẩn trương triển khai. Km46 410, QL 12, thuộc địa phận xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) ảnh hưởng của mưa lớn khiến hơn 5.000 m3 đất, đá trên ta-luy dương sạt xuống lòng đường. Ðến nay, cơ bản đoạn đường đã được xử lý, bảo đảm giao thông thông suốt, tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm cần 3 đến 5 ngày.

Còn tại tỉnh Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng sạt lở làm sập và hư hỏng nhiều nhà dân tại các xã Trung Thành và Trung Sơn, huyện Quan Hóa. Sáng 29-8, huyện đã cử đoàn công tác đi kiểm tra tình hình, khẩn trương triển khai phương án đối phó, ưu tiên hàng đầu là di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Ðồng thời, chỉ đạo các xã chủ động tới thăm hỏi, hỗ trợ ban đầu cho những gia đình bị ảnh hưởng (1,5 triệu đồng/nhà), huy động lực lượng giúp sửa chữa nhà bị hư hỏng.

 

 


Lê Hà
Ý kiến của bạn