Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến huyết áp?
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng với nhiệt độ tăng cao sẽ khiến cơ thể dễ mất nước và gây ra tình trạng máu cô đặc. Bên cạnh đó, việc ra vào liên tục giữa các môi trường có nhiệt độ chênh lệch như ngoài trời và phòng điều hòa có thể dẫn đến tình trạng co mạch (gây tăng huyết áp) hoặc giãn mạch (gây tụt huyết áp).
Hơn nữa, sự chênh lệch nhiệt độ có thể gây ra tình trạng giãn mạch tụt huyết áp khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tai biến xuất huyết não hoặc nhồi máu não. Do vậy, người bị tăng huyết áp cần cẩn trọng hơn khi thời tiết nắng nóng.
Những lưu ý cho người tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp cần thận trọng trong mùa hè. Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh:
- Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ thuốc điều trị bằng cách uống thuốc theo phác đồ.
- Khi thời tiết nắng nóng, hạn chế việc đứng hoặc làm việc quá lâu ngoài trời
- Hạn chế tình trạng thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Nếu đang ở phòng điều hòa không nên ra ngoài trời nắng ngay mà cần có thời gian cho cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa hoặc nghỉ ngơi tại một bóng mát trước khi bước ra ngoài.
- Nếu sử dụng điều hòa khi trời nóng, tốt nhất chỉ nên để mức 28 độ C.
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, không hút thuốc lá, rượu bia. Thường xuyên tập thể dục và có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
- Người bệnh nên đo huyết áp vào buổi sáng trước khi ngủ dậy và sau khi uống thuốc 1 giờ hoặc bất kỳ lúc nào thấy có dấu hiệu chóng mặt, đau đầu…
Cách xử trí khi bị cơn tăng huyết áp đột ngột
Thời tiết nắng nóng dễ khiến người bệnh tăng huyết áp gặp các cơn tăng huyết áp đột ngột. Nguyên nhân do thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể khiến người bệnh khó ngủ và gặp cơn tăng huyết áp vào sáng hôm sau. Thông thường các cơn tăng huyết áp rơi vào khoảng 180 – 200mmHg. Lúc này người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt hoặc yếu nhẹ nửa người. Đây là biểu hiện rất nguy hiểm vì người bệnh có thể gặp các cơn co mạch, xuất huyết não, nhồi máu não… gây hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe.
Do vậy, khi gặp tình trạng huyết áp tăng bất thường vào buổi sáng người bệnh cần bình tĩnh và uống thuốc trước khi ăn sáng. Trường hợp này không nhất thiết phải uống sau khi ăn như chỉ định. 1 giờ sau khi dùng thuốc, người bệnh cần kiểm tra lại huyết áp, nếu huyết áp vẫn tăng cao thì nhanh chóng đến cơ sở y tế.
Nếu đang di chuyển, làm việc ngoài trời nóng hoặc nơi đông người gặp tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột cần xử lý thế nào? Trước hết cần đưa người bệnh vào nơi có bóng mát để nghỉ ngơi. Sử dụng máy đo huyết áp, nếu huyết áp ở mức 140/60mmHg người bệnh có thể sử dụng thuốc được bác sĩ điều trị kê. Trong trường hợp huyết áp ở mức cao hơn 160mmHg, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn.
Tăng huyết áp và đái tháo đường thường đi cùng với nhau. Do vậy nếu người bệnh đồng mắc 2 căn bệnh trên cần thường xuyên thăm khám và tuyệt đối không được bỏ thuốc. Người bệnh cần tăng cường ăn rau xanh, hạn chế mỡ động vật và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Rất nhiều trường hợp người bệnh tăng huyết áp bỏ thuốc sau khi tự cảm thấy tình trạng bệnh ổn định, người khỏe lên. Sau một thời gian, người bệnh thường gặp một số biến chứng như: yếu liệt nửa người, tai biến, suy thận… Cũng rất nhiều trường hợp do thời tiết nắng nóng, bệnh nhân có tâm lý ngại thăm khám, tự ý mua thuốc tại hiệu thuốc. Đây là nguy cơ tiềm ẩn gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Người bệnh nên tuân thủ những lưu ý của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân.
Xem thêm video được quan tâm:
Muốn huyết áp ổn định thì nên 'cạch mặt' 5 loại thực phẩm này | SKĐS