Thời tiết năm 2024 sẽ rất cực đoan, ứng phó thế nào?

26-02-2024 09:09 | Xã hội

SKĐS - Năm 2024 cần lưu ý hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Bão/áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông có thể sẽ nhiều hơn. Hiện tượng nắng nóng sẽ khắc nghiệt hơn.

Dự báo thời tiết sáng 26/2: Mưa lạnh, rét đậm tại miền Bắc kéo dài đến bao giờ?Dự báo thời tiết sáng 26/2: Mưa lạnh, rét đậm tại miền Bắc kéo dài đến bao giờ?

SKĐS - Bản tin dự báo thời tiết hôm nay cập nhật tình hình thời tiết, khí hậu mới nhất sáng ngày 26/2/2024.

Tháng 4 và 5 có thể vẫn còn không khí lạnh

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, điều kiện El Nino tiếp tục duy trì từ tháng 3-5/2024, từ tháng 6-8/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính. Từ tháng 3-5/2024, trên Biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới

Dự báo không khí lạnh hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3 rét đậm, rét hại chỉ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm trong thời kỳ nửa cuối tháng 2 và tháng 3.

Trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa (tháng 4 và tháng 5).

Thời tiết năm 2024 sẽ rất cực đoan, ứng phó thế nào?- Ảnh 2.

Năm 2024 cần đề phòng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất.

Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện tại khu vực miền Đông từ nửa cuối tháng 02 và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây trong tháng 3, tháng 4 đến nửa đầu tháng 5. Tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ từ tháng 3-4.

Từ tháng 3-5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Dự báo từ tháng 7/2024, bão/áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc nước ta. Khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt.

Mùa mưa tại Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Tháng 6-8/2024 gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình. Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên Biển Đông; mưa lớn, lốc, sét và hiện tượng nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.

Từ tháng 6-8/2024, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1,5 độ C. Bắc Bộ có tổng lượng mưa trên khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Nam Trung Bộ tháng 7/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn khoảng 15-30%, khu vực Trung Trung Bộ tổng lượng mưa tháng 8/2024 cao hơn 10-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nếu với diễn biến như vậy thì năm 2024 cần lưu ý hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Bão/áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông có thể sẽ nhiều hơn. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, năm 2024 cơ quan khí tượng thủy văn sẽ tăng cường cảnh báo trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin thiên tai đến cộng đồng, trong đó có trang thông tin cảnh báo nguy cơ sạt lở đất được cập nhật hàng giờ, đồng thời cũng sẽ đưa vào thử nghiệm cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

"Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bắt đầu phối hợp với địa phương để triển khai "Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là đề án lớn được thực hiện trong 5 năm tới, kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất"- ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.

Thời tiết cực đoan, nắng rất nóng, mưa rất lớn

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, năm nay sẽ có sự chuyển pha liên tục của các hình thái thời tiết. El Nino sẽ kết thúc vào tháng 4 và chuyển sang giai đoạn trung tính trong khoảng các tháng 5, 6. Sau đó, có sự chuyển pha đột ngột sang La Nina từ khoảng tháng 7 và kéo dài đến hết năm. Chính vì vậy, thời tiết sẽ có nhiều biến động và nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều.

Về nhiệt độ, miền Bắc và miền Trung khả năng vẫn còn không khí lạnh. Miền Nam duy trì nắng nóng. Sang tháng 4, nền nhiệt tăng đột ngột và duy trì đến hết tháng 7. Nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng của Việt Nam sẽ có mức cao hơn từ 0,75 đến 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm trước. Riêng các tháng 5 và tháng 6 sẽ có mức nhiệt cao nhất và không loại trừ khả năng ghi nhận kỷ lục nhiệt độ.

Về xu thế mưa, giai đoạn từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4 sẽ ít mưa ở phía Tây Bắc. Đây là vùng có nhiều hồ thuỷ điện lớn và nhỏ và cung cấp lượng điện lớn cho miền Bắc. Do ít mưa trong các tháng 2 đến tháng 5 ở phía Tây Bắc sẽ có thể làm giảm nguồn cấp nước cho các nhà máy thuỷ điện và khiến công tác điều độ điện gặp khó khăn trong giai đoạn đầu mùa hè.

Sau đó, sang tháng 6 sẽ bắt đầu có mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía bắc. Các cơn mưa rào cục bộ và mưa các đợt ngắn từ 1 - 2 ngày có thể kéo dài tới hết tháng 9 ở miền núi phía Bắc. Lượng mưa trong các tháng này ở phía bắc có thể cao hơn 10 - 15% so với trung bình nhiều năm và có các cơn mưa lớn cục bộ gây ngập lụt và lũ quét ở phía Bắc. Khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có mưa đều hơn vào giai đoạn tháng 7 và tháng 8.

Khu vực Bắc Trung Bộ có thể đón một đợt hạn ngắn từ tháng 6 đến tháng 7 sau đó mưa nhiều từ tháng 8. Mưa sẽ nhiều hơn trung bình chung nhiều năm (từ 10 - 20%) vào các tháng 10 và tháng 11. Đề phòng có lụt lớn do nhiễu động gió đông và hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng, biến đổi khí hậu đang chi phối các hình thái thời tiết thay vì các pha của ENSO. Chính vì vậy, những diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra không theo quy luật bất kể đó là pha nào. 

"Năm 2023 là một năm may mắn không có cơn bão nào đi vào đất liền của Việt Nam. Rất khó để xác định cụ thể có bao nhiêu cơn bão vào Việt Nam vào năm 2024. Nếu tính theo quy luật chuyển pha đột ngột từ El Nino sang La Nina thì số lượng các cơn bão vào Biển Đông của Việt Nam có thể nhiều hơn 10 cơn bão", TS Nguyễn Ngọc Huy phân tích.

Hình thế thời tiết nguy hiểm nào dễ xảy ra khi nóng lạnh đột ngột?Hình thế thời tiết nguy hiểm nào dễ xảy ra khi nóng lạnh đột ngột?

SKĐS - Trong vòng 1 tháng tới (từ ngày 22/2-20/3), khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ cũng có khả năng sẽ xuất hiện các đợt mưa, mưa rào và dông; riêng khu vực Đông Bắc Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết sáng 26/2: Mưa lạnh, rét đậm tại miền Bắc kéo dài đến bao giờ?  | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn