Những ngày cuối năm, nhiệt độ các tỉnh phía Nam dự đoán có thể xuống dưới 20 độ, nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao là điều kiện thuận lợi để các bệnh đường hô hấp phát triển, đặc biệt là cúm mùa. Người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu, nên khi mắc cúm dễ trở nặng, tăng khả năng nhập viện, thậm chí tử vong.
Người cao tuổi mắc cúm dễ bị biến chứng
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây lan trong không khí qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi. Trong thời tiết lạnh, virus tồn tại lâu và dễ lây lan hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, hằng năm toàn cầu có khoảng 1 tỷ trường hợp mắc cúm, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng với khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, cúm mùa rải rác quanh năm với số mắc thường tăng cao khi thời tiết giao mùa, nhất là vào mùa đông xuân. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta ghi nhận từ 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, trong đó có tỷ lệ lớn là những người cao tuổi như trên 65 tuổi. Mới đây nhất, nước ta đã ghi nhận 4 trường hợp tại Bình Định tử vong do mắc cúm A/H1N1, chủ yếu có bệnh lý mạn tính và nhiều ca viêm phổi nặng do cúm.
Theo bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khi mắc cúm người bệnh sẽ có các triệu chứng sốt, ho, đau đầu, đau họng, sổ mũi, đau nhức người… Bệnh thường tự khỏi trong 1 tuần, song người cao tuổi lại dễ bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng phổi, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy giảm nhịp tim, tăng nguy cơ đột quỵ tim và nguy hiểm tính mạng. Nguyên nhân là người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị virus cúm tấn công, gây tổn thương các cơ quan và bội nhiễm thêm các loại virus, vi khuẩn, nấm làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Mặt khác, người cao tuổi cũng mắc nhiều bệnh lý mạn tính, nhiễm cúm khiến việc kiểm soát, điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn, tăng nguy cơ tử vong.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh (CDC) Mỹ trong những năm gần đây cho thấy, có từ 70-85% người từ 65 tuổi tử vong do cúm và từ 50-70% số ca nhập viện do cúm ở nhóm tuổi này.
Đáng lưu ý, ở người trên 60 tuổi mắc bệnh tim mạch, khi mắc cúm, nguy cơ tử vong sẽ tăng gấp 5 lần, còn người mắc bệnh phổi mạn tính, nguy cơ tử vong tăng lên đến 12 lần. Nghiêm trọng hơn, người cao tuổi đồng thời mắc cả hai bệnh lý tim mạch và phổi, nguy cơ tử vong do cúm sẽ cao gấp 20 lần. Cúm làm tăng nguy cơ đau tim lên 3-5 lần và đột quỵ lên 2-3 lần trong 2 tuần đầu nhiễm bệnh đối với những người trên 65 tuổi. Dù khỏi bệnh, người mắc cũng sẽ giảm sự tự chủ, khó độc lập trong các hoạt động thể chất hàng ngày.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm hiệu quả và an toàn
Bác sĩ Phong cho biết theo WHO, CDC Mỹ, Cục Y tế dự phòng, cách tốt nhất để phòng ngừa mắc cúm, cũng như các biến chứng của cúm là tiêm vắc-xin hàng năm. Việc tiêm vắc-xin cúm sẽ có hiệu quả ngăn ngừa và bảo vệ trước bệnh cúm lên đến 90%. CDC Mỹ ước tính, từ năm 2022 – 2023, vắc-xin cúm đã giúp ngăn chặn 6 triệu trường hợp mắc cúm, 2.9 triệu lượt khám bệnh, 65.000 trường hợp nhập viện điều trị và 3.7000 trường hợp tử vong liên quan đến cúm mùa.
Các nghiên cứu trên Thế giới cũng chỉ ra, tiêm vắc-xin cúm ở người cao tuổi giúp giảm 47% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, giảm nguy cơ nhập viện do viêm phổi, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 15-45%, cũng như giúp giảm 79% nguy cơ nhập viện do cúm ở bệnh nhân tiểu đường.
Đáng lưu ý, cúm mùa là loại virus "tinh ranh", biến hóa liên tục, thay đổi thành phần kháng nguyên mỗi năm, kháng thể từ tiêm vắc-xin cúm giảm dần theo thời gian, vì vậy vắc-xin cúm năm trước không còn hiệu quả trong việc phòng ngừa các chủng cúm lưu hành trong năm sau. Bác sĩ Phong khuyến cáo nhóm người cao tuổi, có bệnh nền nên tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt, nên tiêm nhắc lại hàng năm để có kháng thể chủ động tốt nhất.
Hiện Việt Nam đã có vắc-xin cúm tứ giá phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ em và người lớn. Người lớn chỉ cần tiêm một mũi và nhắc lại hằng năm.
Theo bác sĩ Phong, nếu trong gia đình có người cao tuổi chưa từng tiêm vắc-xin cúm hoặc đã tiêm rồi nhưng năm nay chưa tiêm nhắc thì hãy sắp xếp lịch tiêm sớm nhất. "Chỉ còn chưa đến một tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, các con cháu hãy đưa ông bà/cha mẹ đi tiêm vắc-xin cúm để cả gia đình được đón năm mới trọn vẹn, hạnh phúc bên nhau", bác sĩ Phong chia sẻ thêm.
Phương Linh