Khi trời lạnh, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp dẫn đến lưu lượng máu đến não kém. Mặt khác khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc các biến chứng vô cùng nặng nề.
Thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi mà còn có thể gây đột quỵ với các bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, lạm dụng bia rượu, thuốc lá. Do vậy, cần phải quan tâm đặc biệt, giữ gìn sức khỏe những lúc tiết trời giá lạnh bất thường như hiện nay.
Để phòng ngừa cơn đột quỵ, cần chú ý giữ ấm cơ thể, ngủ trong phòng kín gió; tránh để nhiễm lạnh đột ngột khi thức dậy từ phòng ấm, kín bước ra ngoài; lưu ý thời điểm dễ xảy ra các cơn đột quỵ là lúc nửa đêm, rạng sáng. Bên cạnh đó, người mắc bệnh mạn tính cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp. mỡ máu, đường huyết, stress, giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thể thao thường xuyên. Đặc biệt tránh lạm dụng rượu bia vì chất cồn lưu lại trong máu lâu khi thời tiết lạnh, do khả năng bài tiết qua đường mồ hôi giảm khiến huyết áp tăng cao, dễ dẫn đến đột quỵ
Các dầu hiệu , triệu chứng cảnh báo của đột quỵ:
*Đột ngột yếu hoặc tê bì mặt, tay, chân - đặc biệt xảy ra ở một bên của cơ thể
*Đột ngột rối loạn ý thức, bất thường về lời nói, không hiểu lời nói, nói lắp...
*Chóng mặt hoặc mất thăng bằng hoặc phối hợp động tác, đau đầu dữ dội...xảy ra đột ngột mà không rõ căn nguyên.
Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ, tuyệt đối không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu mười đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh...cần đặt bệnh nhân nằm ngửa nơi thoáng mát và ngay lập tức gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất, không làm lỡ mất" thời gian vàng " để cứu bệnh nhân , tốt nhất là 3-4 giờ sau cơn đột quỵ.
Hãy chăm sóc người nhà và bản thân thật tốt...để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.