Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Theo Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai, khu vực miền núi phía Bắc là vùng trọng tâm của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây tỷ lệ tử vong cao nhất trong những năm gần đây. Lũ ống, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét, kể cả ban đêm như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất để nhanh chóng ra khỏi khu vực nguy hiểm, không đi qua những nơi được cảnh báo nguy hiểm, sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.
Hiện nay, ở phía Bắc xuất hiện bộ phận không khí lạnh đẩy rãnh áp thấp dịch chuyển xuống phía Nam. Do vậy, từ chiều và đêm 25 đến hết ngày 26/4, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra mưa rào và dông, có nơi xảy ra mưa vừa, mưa to.
Trong mưa dông, các khu vực trên có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Vùng núi các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Đến ngày 26/4, các tỉnh thuộc phía Đông khu vực Bắc Bộ, thời tiết chuyển mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh.
Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do các loại hình thời tiết cực đoan, nguy hiểm nêu trên, Ban Chỉ đạo TW về Phòng, chống thiên tai yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến nắng nóng, mưa dông, mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh.
Tổ chức kiểm tra, rà soát an toàn nơi ở của người dân, sẵn sàng các phương án ứng phó, tránh bị động khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo về tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai.