Ngày 22/11, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Phạm Hữu Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, BV Trung ương Huế cho biết, mỗi ngày có khoảng 300-350 bệnh nhi đến thăm khám và nhập viện điều trị ở trung tâm khiến một số khoa bị quá tải. Tuy nhiên, dù quá tải nhưng với sự nỗ lực của các y, bác sĩ thì mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Theo ThS.BS Phạm Hữu Trí, các bệnh nhi tăng đột biến và tập trung ở 2 khoa là Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới và Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng.
Ở Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, các bệnh nhi nhập viện chủ yếu vì sốt xuất huyết (ở đủ độ tuổi) và rối loạn đường tiêu hóa (chủ yếu từ 3 đến 5 tuổi).
Trong khi đó, tại Khoa Nhi Hô hấp - Miễn dịch - Dị ứng, BSCKII Nguyễn Mạnh Phú – Trưởng khoa cho biết, ca bệnh hiện nay chủ yếu là bệnh viêm phổi, hen phế quản… Số lượng bệnh vào điều trị, ra trong ngày khoảng 20-30 bệnh. Tổng số bệnh đang điều trị tại Khoa hiện nay là 90-100 bệnh, cao hơn so với thông thường thường chỉ từ 50-70 bệnh.
Đang chăm con điều trị ở Khoa Nhi - Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Bệnh nhiệt đới, chị Trần Thị Uốn (37 tuổi, trú huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, con chị bị sốt, co giật, sợ bệnh diễn tiến nặng nên gia đình quyết định đưa cháu vào Bệnh viện Trung ương Huế để khám và điều trị. "Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt xuất huyết, sau nhiều ngày được điều trị tích cực thì hiện tại cháu đã ổn và cần theo dõi thêm 1 thời gian nữa thì được xuất viện", chị Uốn nói.
ThS.BS Trần Thị Hạnh Chân – Phó Trưởng khoa Nhi tiêu hóa – Dinh dưỡng – Bệnh nhiệt đới cho biết, thời điểm này, số bệnh nhi nhập viện tại khoa tăng, với các bệnh chủ yếu là sốt, nôn mửa, viêm ruột. Do số lượng đông, bệnh viện phải bố trí giường đôi để đáp ứng yêu cầu điều trị cho các bệnh nhi.
Lý giải nguyên nhân số lượng bệnh nhi tăng, ThS.BS Phạm Hữu Trí cho biết, thời điểm này nằm trong chu kỳ bùng dịch sốt xuất huyết nên bệnh nhi bị sốt xuất huyết nhập viện tăng. Ngoài ra, đây là thời điểm giao mùa cũng như năm nay thời tiết khắc nghiệt nên bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp tăng cao. Nhiều trẻ diễn biến nặng vì một lúc mắc nhiều bệnh nên khó khăn cho việc theo dõi, điều trị.
ThS.BS Phạm Hữu Trí khuyến cáo, các bậc phụ huynh có con em có tiền sử bệnh hen phải đặc biệt để ý đến sức khỏe của trẻ. Phải đảm bảo cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng; đảm bảo thân nhiệt cho trẻ nhất là buổi sáng và buổi tối.
Khi đi ra đường cần mặc đủ ấm cho các cháu tránh lạnh, gió lùa. Khi trẻ lên cơn hen, phụ huynh đã dùng thuốc đặc hiệu nhưng trẻ vẫn khó thở, diễn biến nặng thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để y, bác sĩ kịp thời xử lý.
ThS.BS Phạm Hữu Trí cũng cho hay, tính đến thời điểm này, chưa có thống kê hay nghiên cứu đánh giá nào cụ thể về việc ảnh hưởng hậu COVID-19 đến tình hình bệnh ở trẻ em hiện nay. Tuy nhiên, cơ thể của trẻ từng bị mắc COVID-19 chắc chắn sẽ bị giảm sức đề kháng cũng như yếu về đường hô hấp. Vì vậy, khi đến thăm khám tại các cơ sở y tế thì gia đình tuyệt đối lưu ý phải khai báo là trẻ đã từng mắc COVID-19 hay chưa để bác sĩ nắm thông tin cũng như tìm phác đồ điều trị phù hợp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sởi: Một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được phát hiện thế nào?