Nguyên nhân gây bệnh mề đay
Nguyên nhân gây nên bệnh mề đay rất phức tạp nhưng chủ yếu là do yếu tố cơ địa, dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích (nóng, lạnh đột ngột, một số thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán hoặc do tăng tiết chất cholin và ngay cả một số loại thuốc đông y, thuốc nam hoặc tây y). Ngoài ra, bệnh mề đay có thể do di truyền (bố, mẹ mắc bệnh mề đay). Sự xuất hiện bệnh mề đay là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên).
Triệu chứng
Bệnh mề đay thường có 2 loại, cấp tính và mạn tính.
Mề đay cấp tính thường xảy ra đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ trên vùng da nào, niêm mạc nào của cơ thể. Đầu tiên xuất hiện các nốt sẩn có màu hồng hoặc đỏ, phù nề và rất ngứa. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của mề đay và chính ngứa làm cho người bệnh rất khó chịu, đặc biệt là trẻ nhỏ (gãi nhiều, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, ngủ kém...). Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa. Nốt sẩn, ngứa có khi chỉ ở một vùng da nào đó trên cơ thể, có khi cả đám rộng nhưng có khi chỉ rải rác. Nốt sẩn, ngứa kéo dài vài ba phút đến vài ba giờ rồi lặn, tuy vậy, có trường hợp mề đay kéo dài cả tuần không tự khỏi. Một số trường hợp bệnh nặng, ngoài sự biểu hiện ở da chúng còn có thể xuất hiện ở niêm mạc đường tiêu hóa gây rối loạn tiêu hóa như đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy. Đặc biệt hơn, bệnh mề đay có thể xảy ra ở tổ chức não gây phù não hoặc xảy ra ở đường hô hấp như thanh - khí quản gây phù nề, khó thở cấp tính đôi khi phải cấp cứu.
Không những thế, bệnh mề đay mạn tính thường xảy ra kế tiếp nhau nhiều lần trong tuần, trong tháng hoặc trong năm. Mề đay mạn tính gặp nhiều dạng khác nhau như dạng thành vòng, dạng thành vạch, dạng xuất huyết, dạng mụn nước. Đặc biệt, mề đay mạn tính có thể xuất hiện dạng phù Quincke (sưng mặt, mí mắt, môi, bộ phận sinh dục). Mề đay mạn tính dạng phù Quincke xảy ra đột ngột và kéo dài vài giờ đôi khì kéo dài còn lâu hơn thế.
Hình ảnh mề đay cánh tay.
Biến chứng do bệnh mề đay
Bệnh mề đay nếu không điều trị dứt điểm có thể gãi nhiều làm nhiễm trùng da gây lở loét, mưng mủ, sau khi khỏi bệnh thường để lại sẹo.
Người bệnh nổi mề đay mạn tính sẽ gặp phải tình trạng ngứa thường xuyên và liên tục bất kể ngày đêm khiến cho người bệnh khó có thể ngủ được. Việc thiếu ngủ với mức độ thường xuyên và kéo dài này sẽ làm cho sức đề kháng yếu đi, cơ thể trở nên mệt mỏi, suy nhược. Nếu mất ngủ triền miên sẽ dẫn đến diễn biến trầm trọng hơn và có thể dẫn tới chứng trầm cảm.
Trong một số trường hợp đặc biệt bệnh mề đay có thể xuất hiện ở đường tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy hoặc xuất hiện ở đường hô hấp gây co thắt phế quản (tương tự như hen suyễn) hay ở não gây phù nề tổ chức não.
Nguy hiểm nhất là phản ứng sốc phản vệ khi bị nổi mề đay, bởi vì, sốc phản vệ dẫn đến tình trạng giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp, làm người bệnh nổi mề đay bị chóng mặt, ngất và có thể dẫn đến trụy tim mạch, một số trường hợp có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu cấp cứu không kịp thời.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ bị bệnh mề đay nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định, điều trị và đề phòng biến chứng. Dùng thuốc kháng histamin nhất là các loại kháng histamin tổng hợp, việc điều trị các bệnh dị ứng, đặc biệt là bệnh mề đay có hiệu nghiệm hơn hẳn. Tuy vậy, dùng loại gì cho đối tượng nào cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh mề đay như tôm, cua, ốc; không ăn thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi cá, rau sống…). Không nên uống rượu, bia, bởi vì, rượu, bia là các yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay xuất hiện hoặc tái phát. Khi thay đổi thời tiết, nhất là lạnh cần mặc đủ ấm khi ra khỏi nhà và không nên ở trong phòng có máy lạnh. Để phòng bệnh mề đay do giun, sán nên tẩy giun định kỳ theo đơn và hướng dẫn của của bác sĩ.