Thời tiết thay đổi bất thường, nóng lạnh đột ngột, kèm theo mưa phùn khiến độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virut gây bệnh phát triển mạnh, trong đó có bệnh sốt virut. Thống kê của các cơ sở y tế, sốt virut hiện đang gia tăng và lây lan nhanh ở miền Bắc, điểm khác biệt là năm nay sốt virut gia tăng không chỉ ở trẻ em mà ngay cả người lớn cũng mắc sốt virut.
Người lớn, trẻ em đều mắc sốt virut
Ghi nhận tại một số cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 103..., trong những ngày qua, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng cao, tăng từ 30% đến 50%. Phần lớn các trường hợp đến khám và nhập viện đều do sốt virut với các triệu chứng: sốt 38 - 40oC, đau đầu, mệt mỏi, đau các khớp xương... Đơn cử, số bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng lên 1.800 - 2.200 trẻ/ngày, trong đó, chiếm nhiều nhất là sốt virut. Tại Bệnh viện Bạch Mai trong số các trường hợp tới khám và điều trị thì có tới gần 1/3 trường hợp mắc sốt virut. Không chỉ riêng hai bệnh viện trên, Bệnh viện Xanh Pôn mỗi ngày cũng khám và điều trị cho hàng trăm trường hợp do sốt virut. Khoa khám bệnh của Bệnh viện 103, rất nhiều bệnh nhân vào khám được chẩn đoán là sốt do virut... Đáng lo ngại, năm nay, sốt virut không chỉ gia tăng ở bệnh nhi mà còn “tấn công” cả người lớn. Do vậy, rất nhiều gia đình cả nhà lần lượt đều bị sốt virut.
Kiểm tra sức khỏe trẻ bị sốt virut tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hà |
Không nên coi thường khi sốt virut
Triệu chứng của bệnh sốt virut thường là sốt, ớn lạnh, rét run sau đó nóng, đau nhức mình mẩy, mệt mỏi, có thể kèm ho, chảy nước mũi... Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện nay đang là thời điểm mà nhiều bệnh có nguy cơ bùng phát: cúm A/H5N1, sốt xuất huyết, viêm màng não... biểu hiện ban đầu của những bệnh này tương đối giống nhau và cũng giống sốt virut. Do vậy, khi có những triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nhất là với trẻ em sốt có thể là biểu hiện của nhiều loại bệnh nên gia đình tuyệt đối không được tự điều trị cho trẻ mà phải đưa trẻ tới cơ sở y tế khi trẻ sốt cao và có kèm theo các triệu chứng trên. Vì một số trẻ nhỏ bị sốt virut còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở, nếu không phát hiện đưa ngay đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời rất dễ biến chứng khôn lường như: động kinh, viêm màng não... Đáng cảnh báo là tình trạng các bậc phụ huynh tự ý dùng thuốc cho trẻ. Phần lớn, số trẻ bị sốt đến bệnh viện sau khi đã tự dùng thuốc kháng sinh mà không hiệu quả. Thậm chí, nhiều trẻ còn bị thêm tiêu chảy do tác dụng phụ của kháng sinh. Điều này gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Hoặc thấy sốt cao lâu ngày chưa khỏi tự ý dùng thuốc hạ sốt quá liều hoặc truyền dịch tại nhà nhằm bù nước và điện giải khi chưa có chỉ định của bác sĩ, việc này hết sức nguy hại bởi bệnh sẽ không được cải thiện mà còn làm nặng hơn có thể gây tai biến, tử vong.
Thông thường người mắc sốt virut sẽ khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Với các trường hợp không khỏi sau khoảng thời gian này chắc chắn cơ thể đã bị bội nhiễm, cần làm các xét nghiệm sâu để chẩn đoán, điều trị kịp thời. Cũng có nhiều bệnh nhân tái phát nhiều lần, bệnh vừa khỏi sau vài ba ngày lại sốt cao. Những trường hợp này chủ yếu là do sức đề kháng kém, cơ thể lại không có miễn dịch tự nhiên đối với virut nên dễ bị mắc lại. Vì thế, để cơ thể có sức đề kháng tốt, chống chọi với các tác nhân virut, vi khuẩn đang phát triển mạnh các chuyên gia y tế khuyến cáo, cần tăng cường sức đề kháng bằng ăn uống, ăn đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung vitamin từ hoa quả, nghỉ ngơi hợp lý...; Nếu có triệu chứng sốt do virut, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây cho người thân trong gia đình và lan rộng ra cộng đồng.
Bác sĩ Hạnh Chung